T5, 02/07/2020 4:02 chiều | Vi Văn Tới

Đã hơn 3 năm từ ngày nộp đơn khởi kiện về việc bị chính chị ruột chiếm đoạt tài sản, đến nay người nghệ sỹ già vẫn kiên trì lui tới Tòa án, vì ông tin rằng “công lý sẽ hiện hữu”.

1

Nghệ sỹ Duy Phương.

Như báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, sau khi cha của nghệ sỹ Duy Phương là ông Huỳnh Di Cang qua đời đột ngột vào năm 1988 vì đứt mạch máu não có để lại căn nhà chung số 42 Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho mẹ ông là bà Nguyễn Thị Năm cùng 6 người con – nghệ sỹ Duy Phương là con thứ hai.

Năm 1995, bà Năm xuất cảnh sang Hoa Kỳ nên ngày 30/9/1995 đã làm giấy ủy quyền cho ông Duy Phương và hai người con còn ở lại Việt Nam là bà Huỳnh Ngọc Sơn và người con thứ là ông Huỳnh Phước Phước. Nội dung ủy quyền bao gồm quyền quản lý, sử dụng và cho thuê căn nhà trên (không bao gồm quyền giao dịch chuyển nhượng nhà).

Đến năm 1999, bà Năm cùng ông Duy Phương và ông Phước đã ủy quyền sử dụng căn nhà lại cho bà Sơn và hủy đi bản ủy quyền cũ trước đó.

Nam nghệ sỹ chia sẻ: “Tuy nhiên, mẹ tôi và các anh em đã bị bà Sơn qua mặt. Vì giấy ủy quyền do chị ấy soạn khi ấy đã âm thầm thêm phần được phép chuyển nhượng, mua bán căn nhà này. Tôi và mẹ vì tin tưởng nên cũng không đọc kỹ và không phát hiện.”

Năm 2001, mặc dù không có sự đồng ý của bà Năm và 5 người em còn lại trong gia đình (bao gồm ba anh chị em của nghệ sỹ đang ở nước ngoài), bà Sơn lén lút tự ý chuyển nhượng căn nhà trên cho con gái mình là bà Hồ Khánh Mai Thy.

Khi biết được sự việc đã quá muộn. Ngày 22/5/2017, bà Năm đã nộp đơn ra TAND TP HCM, khởi kiện bà Sơn và bà Thy với nội dung yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền năm 1999, tuyên bố vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Sơn và bà Thy, công nhận bà Năm là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà số 42 Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Gần như ngay lập tức, ngày 30/5/2017, bà Hồ Khánh Mai Thy đã chuyển nhượng căn nhà trên cho người khác nhằm tẩu tán tài sản. Do bà Năm tuổi cao sức yếu và đang định cư bên Canada cùng ba người con, nên đã ủy quyền cho ông Huỳnh Kim Dũng (nghệ sỹ Duy Phương) đứng ra theo đuổi vụ kiện đòi lại nhà.

Đến thời điểm hiện tại, vụ việc của nghệ sỹ Duy Phương đang dần hé lộ những tình tiết bất ngờ. Ông cho biết, Tòa án đã thu thập được bộ hồ sơ ủy quyền số 2745 mà bà Huỳnh Ngọc Sơn dùng làm cơ sở để củng cố hồ sơ nhằm chuyển nhượng căn nhà số 42 Ngô Tất Tố cho con gái ruột Hồ Khánh Mai Thy.

Điều đáng nói ở đây, tại hợp đồng ủy quyền số 2745 ngày 14/4/1999 của bà Huỳnh Thị Ngọc Châu (hiện sinh sống tại Mỹ) với nội dung ủy quyền phần tài sản của mình trong căn nhà số 42 cho bà Sơn lập tại Phòng công chứng nhà nước số 03 TP HCM, trên hợp đồng này có ghi nhận đồng ý và chữ ký mang tên Huỳnh Thị Ngọc Châu. Tuy nhiên, cả gia đình nghệ sỹ Duy Phương và cả bà Châu đều xác nhận vào thời điểm này bà Châu hoàn toàn không có mặt tại Việt Nam.

Về vấn đề này, nghệ sỹ Duy Phương cùng phóng viên đã trao đổi trực tiếp với bà Châu, bà này xác nhận không hề ký bất kỳ giấy tờ nào về ủy quyền bán căn nhà trên cho bà Sơn, cũng như khẳng định từ năm 1995 đến 2006 bà chưa từng trở về Việt Nam. Nhằm đối chiếu thông tin, bà Châu đã gửi cho TAND TP. HCM sổ hộ chiếu của mình, trên đó không hề có thị thực nhập cảnh tại Việt Nam trong thời gian này.

Như vậy, rõ ràng hợp đồng uỷ quyền có chữ ký của bà Châu vào ngày 14/4/1999 là giả mạo.

2

Căn nhà tranh chấp số 42 Ngô Tất Tố.

Luật sư Lê Ngọc Hà – Trưởng văn phòng luật sư Đa Phúc – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật sư thành viên của Trung tâm tư vấn pháp luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định: “Những đề nghị của bà Nguyễn Thị Năm yêu cầu TAND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận là có căn cứ.

Căn cứ theo Bộ Luật dân sự và các văn bản thi hành cũng như các quy định của Luật công chứng cho thấy hợp đồng ủy quyền lập vào năm 1999 có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có căn cứ đề nghị tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng này.

Nếu hợp đồng ủy quyền này vô hiệu thì đây là giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 137 Bộ Luật dân sự 2005 thì sẽ giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu này.

Theo đó, những giao dịch mà bà Huỳnh Ngọc Sơn dựa trên hợp đồng ủy quyền năm 1999 để chuyển nhượng cho người khác thì những giao dịch chuyển nhượng đó là bất hợp pháp vì nó dựa trên hợp đồng ủy quyền có vi phạm pháp luật”.

Nghệ sỹ Duy Phương bức xúc, mặc dù đã nhiều lần Tòa ra thông báo mời lên làm việc, nhưng bà Sơn và con gái Mai Thy vẫn cố tình không chấp hành, đây là hành vi ngang nhiên xem thường pháp luật của mẹ con bà Sơn.

Gần đây, trong quá trình làm việc với Tòa án, ông được thông báo Tòa đang đợi xác minh từ phía Công an phường 19, Bình Thạnh, vì phía Công an cho hay, hai mẹ con bà Sơn đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sinh sống.

Theo kết quả xác minh của cơ quan Công an phường 19, trong căn nhà chỉ có 5 người, tất cả người này đều là người ở thuê và không thề biết chủ nhà ở đâu.

Vụ việc xảy ra tới nay đã hơn 3 năm, thế nhưng người nghệ sỹ già vẫn chưa nhận được một lời phán xét công bằng. Xuyên suốt quá trình đi tìm công lý, vai trò của chính quyền cũng như các cơ quan chức năng có vẻ khá mờ nhạt.

Trong vụ việc trên, nhiều người nhận định TAND TP HCM chưa thực sự quan tâm lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự chậm trễ trong giải quyết những vướng mắc tranh chấp liên quan đến đất đai sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, nhất là cho những người có quyền lợi liên quan. Ngoài phần thừa kế do ông Cang để lại, nghệ sỹ Duy Phương không còn nơi nào khác để ở. Ông đã đã bị chính người thân của mình dùng những kẻ hở của pháp luật, sử dụng yếu tố lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo nhận định của Luật sư Hà, hiện tại TAND TP HCM cần thực hiện những bước thúc đẩy mời các đương sự hiện sống nước ngoài về Việt Nam hoặc gửi ý kiến bằng văn bản để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của họ, hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay. Như vậy vụ án mới có thể được xử lý nhanh chóng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quan tâm, xem xét để hỗ trợ các đương sự yêu cầu TAND TP HCM khẩn trương xem xét và giải quyết dứt điểm vụ việc.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin.

Nhóm PV – Nguồn: phapluatplus.vn

 

 

Bài viết cùng chuyên mục