T4, 29/12/2021 7:26 chiều | Duy An

“Tôi thực sự cảm thấy day dứt vì những án chung thân, tử hình vừa mới năm trước không được biết đến hay không thể làm run sợ những người như mẹ kế và cả cha đẻ của cháu bé N.T.V.A” – Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nói.

Liên quan đến vụ việc cháu bé N.T.V.A 8 tuổi tại TP.HCM bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định đây là một vụ xâm hại trẻ em bằng hành vi bạo lực rất nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

“Bất kỳ một hành vi bạo lực trẻ em nào khi được các phương tiện thông tin phản ánh, đặc biệt là những vụ gây thương vong nặng nề cho trẻ em đều làm dậy sóng dư luận. Xã hội xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị người gây ra tội ác, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những chuyện quá đau lòng này không lặp lại và chấm dứt các trường hợp trẻ em bị bạo hành dã man bởi chính cha mẹ, những người có trách nhiệm đạo đức và pháp lý là phải yêu thương, che chở, bảo vệ trẻ.

Bị can Võ Nguyễn Quỳnh Trang – mẹ kế cháu N.T.V.A  khi thực nghiệm hiện trường.

Tôi càng xót xa hơn nữa khi vụ việc này xảy ra tại một chung cư cao cấp có đủ các thiết chế, tổ chức, dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhưng hành vi dã man kia lại không bị tố giác kịp thời”, ông Đặng Hoa Nam bức xúc.

Thực tế cho thấy, thời gian qua có rất nhiều vụ việc mẹ kế, bố dượng hành hạ, đánh đập con riêng của vợ, hoặc chồng. Vào cuối năm 2020, đối tượng Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi, Hà Nội) đã bị tuyên án tử hình do sử dụng ma túy, bạo hành con gái riêng 3 tuổi của vợ đến mức cháu bé tử vong. Mẹ của nạn nhân (30 tuổi) cũng phải nhận án chung thân sau khi cơ quan bảo vệ pháp luật xác định người này đã cùng chồng mới “dạy dỗ con” từ 8h ngày 29/3/2020 đến 2h sáng hôm sau.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, những hình phạt nghiêm khắc nhất đã và sẽ được tuyên nhưng vẫn còn đó những vấn đề về sự hiểu biết, tuân thủ và biết sợ pháp luật trước khi xuống tay bạo hành, trà đạp những đứa trẻ non nớt của những người lớn tự cho mình “có quyền” bắt những đứa trẻ phải tuân thủ bằng mọi cách, trút cơn giận dữ, sự thù hận vô cớ lên thân thể, tinh thần của trẻ.“Tôi thực sự cảm thấy day dứt vì những án chung thân, tử hình vừa mới năm trước không được biết đến hay không thể làm run sợ những người như mẹ kế và cả cha đẻ của cháu bé N.T.V.A”.

Không thể tồn tại “truyền thống” giáo dục trẻ bằng roi vọt

Từ sự việc đau lòng này, ông Đặng Hoa Nam đặt câu hỏi, trong khi đã có rất nhiều thông tin, sản phẩm truyền thông hướng dẫn cách phòng ngừa, phát hiện, tố cáo các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, nhưng vẫn tiếp tục có rất nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành dã man, thương tâm. Có hay không sự mù quáng về quan niệm một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời, luôn đồng hành với roi vọt, hình phạt?

“Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại truyền thống hay phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm. Một khi sự tổn hại về thể chất, tinh thần của đứa trẻ đã xảy ra, một khi sức khỏe, tính mạng của con trẻ đã bị cướp mất một cách oan ức thì mọi sự dựa dẫm vào cái gọi là mục đích dạy dỗ chỉ là ngụy biện, thậm chí để trốn tránh hình phạt pháp luật”, ông Nam nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho rằng, phải chăng hiện nay nhiều người vẫn  có tâm lý ngại ngùng, sợ can thiệp vào việc “dạy dỗ con của nhà người ta”. Trong khi đó, mọi hành vi xâm hại trẻ em dù là nguy cơ hay hiện hữu thì cũng không thể là chuyện riêng của bất kỳ bậc cha mẹ hay gia đình nào. Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột của mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền đã được Luật Trẻ em 2016 quy định. Cơ quan LĐ-TB-XH, cơ quan công an các cấp, UBND cấp xã là những nơi có trách nhiệm và thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp để xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, nguy cơ tổn hại đối với trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, hiện nay Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã được thiết lập để thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

“Gọi 111 để cứu trẻ em, để cứu sức khỏe và sinh mạng của trẻ em khỏi những vụ việc xâm hại, bạo hành, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức hãy thông báo nhanh nhất, sớm nhất cho các cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là Tổng đài 111’, ông Đặng Hoa Nam đặc biệt lưu ý./.

Bài viết cùng chuyên mục