T5, 21/02/2019 8:29 sáng | Duy An

Sau khi sự việc xảy ra, luật sư Nguyễn Vinh Diện – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự trả lời PV Dân trí sáng 20/2 về sự việc liên quan đến vụ xe buýt tông chết người vừa qua.

Vụ xe buýt tông chết người đem chôn bất minh: Những ai đã tắc trách, sai phạm? - 1
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn.

Như Dân trí đã thông tin, vào khoảng 04h45, ngày 8/12/2018, ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1950, trú ở xóm 10, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) trên đường đi đám giỗ, khi đến địa phận dốc Da Diều, xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương) thì bị xe buýt Thạch Thành do tài xế tên Thúy điều khiển tông tử vong.

Sau đó, công an huyện Đô Lương và các bên liên quan cùng gia đình tài xế Thúy dù chưa thông báo tìm người thân ông lên các phương tiện thông tin đại chúng, chính quyền 32 xã, thị trấn của huyện Đô Lương, mà đã bất ngờ đưa thi thể ông Sinh chôn ở nghĩa trang tại huyện Tân Kỳ vào ngày 8/12/2018.

Để làm rõ thêm các thông tin PV Dân trí đã có buổi trao đổi với luật sư Nguyễn Vinh Diện – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự.

Quy định khi xảy ra tai nạn giao thông chết người, các cơ quan chức năng (đặc biệt là Cơ quan Công an) phải xử lý thế nào?

Vụ xe buýt tông chết người đem chôn bất minh: Những ai đã tắc trách, sai phạm? - 2
Con trai ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng: “Sự việc đã đi quá xa khiến gia đình và người thân rất bức xúc”.

Về vấn đề này, LS Diện nói: Theo quy định tại Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008, thì việc này được hiểu như sau:

Thứ nhất: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến; trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất, cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Vụ xe buýt tông chết người đem chôn bất minh: Những ai đã tắc trách, sai phạm? - 3
Luật sư Nguyễn Vinh Diện – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện.

Thứ hai: Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, bảo vệ tài sản của người bị nạn, cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba: Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Thứ tư: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn.

Trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Bia mộ “vô danh” tự lập lên sau khi được chôn cất.

Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 76/2011/TT-BCA của Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng cảnh sát nhân dân thì Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là công an cấp huyện) có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức điều tra, giải quyết tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn quản lý.

Phân công lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát điều tra thực hiện công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông như sau:

Lực lượng cảnh sát giao thông: Có mặt ngay sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn để giải quyết ban đầu như: tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, xác định người làm chứng, giải tỏa ùn tắc giao thông.

Vụ xe buýt tông chết người đem chôn bất minh: Những ai đã tắc trách, sai phạm? - 5
Mặc dù nạn nhân tử vong một nơi nhưng mộ được chôn cất một nơi khác?.

Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng, thu thập tài liệu có liên quan về vụ tai nạn giao thông.

Trong quá trình giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Việc giải quyết ban đầu như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng vụ tai nạn giao thông được thực hiện theo quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

Vụ xe buýt tông chết người đem chôn bất minh: Những ai đã tắc trách, sai phạm? - 6
Đơn thư của gia đình nạn nhân đề nghị làm rõ sự việc.

Tiếp nhận những vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm do cảnh sát điều tra chuyển giao; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các vụ tai nạn giao thông có vi phạm hành chính.

Đối với Lực lượng cảnh sát điều tra: Chủ trì, phối hợp với cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường, thông báo cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát việc điều tra theo quy định của pháp luật.

Tiếp nhận, tổ chức điều tra các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm theo thẩm quyền do lực lượng cảnh sát giao thông chuyển giao. Thông báo bằng văn bản lực lượng cảnh sát giao thông cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả điều tra, giải quyết các vụ án tai nạn giao thông được Trưởng công an cấp huyện giao thụ lý điều tra.

Bấy lâu dư luận cho rằng việc công an huyện Đô Lương là đơn vị trực tiếp xử lý vụ tai nạn, nhưng chỉ trong vòng 10h đồng hồ đã cho phép chôn cất nạn nhân như vậy đã đúng quy định hay chưa? Và việc nạn nhân quê quán ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, sau khi bị tử vong, phía nhà xe buýt Thạch Thành đã tiến hành chôn xác ở một nghĩa trang tại Tân Kỳ thì có đúng quy định hay không? Nếu đúng thì trách nhiệm của chính quyền sở tại như thế nào?

Theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Như vậy việc chôn cất thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã chứ không phải của công an hay người gây tai nạn. Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Kỳ đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động mai táng và quản lý nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn khi để xảy ra việc chôn cất nói trên.

Theo: Nguyễn Tú – Nguyễn Duy (Dân trí)

 

 

Bài viết cùng chuyên mục