T5, 15/08/2019 10:57 sáng | Duy An

Những sứ mệnh vũ trụ tốn kém nhiều tỷ USD giúp nhân loại hiểu rõ hơn về sự hình thành và phát triển của vũ trụ. Cũng có những sứ mệnh đặc biệt quan trọng từ góc nhìn nền văn minh, như sứ mệnh đổ bộ của con người lên Mặt trăng.

Chương trình Apollo đưa người lên Mặt trăng.

Hiện nay, công nghệ trợ giúp chúng ta rất đắc lực. Các tên lửa SpaceX tự động quay trở về Trái đất sau khi khởi hành chắc chắn sẽ giúp các nhà thiên văn học tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, các thử nghiệm chinh phục vũ trụ của nhân loại không bao giờ dừng lại…

Sứ mệnh xe tự hành Curiosity

Sứ mệnh Curiosity có mục tiêu đánh giá khả năng xuất hiện các điều kiện tiềm tàng cho sự sống trong quá khứ, cũng như nghiên cứu cơ hội duy trì sự sống hữu cơ trên sao Hỏa.

Xe tự hành đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên vào tháng 9/2012- đó là nghiên cứu một tảng đá sao Hỏa có kích thước tương đương quả bóng đá. Toàn bộ chi phí cho sứ mệnh là 2,5 tỷ USD.

Xe tự hành Curiosity.

Tàu thăm dò Cassini – Huygens

Tàu thăm dò vũ trụ không người lái Cassini – Huygens (kết quả hợp tác của NASA và ESA) được phóng vào vũ trụ năm 1997 với mục tiêu nghiên cứu sao Thổ, trước hết là nghiên cứu các vành đai và vệ tinh của hành tinh này. Tháng 7/2004, con tàu bắt đầu quay quanh sao Thổ. Nhờ tàu

Cassini – Huygens, các nhà khoa học nghiên cứu được hình dạng bề mặt và khí quyển vệ tinh Titan. Năm 2017, sứ mệnh tàu Cassini – Huygens kết thúc; con tàu lao vào khí quyển sao Thổ và bốc cháy. Chi phí cho sứ mệnh Cassini – Huygens lên tới 3,26 tỷ USD.

Trạm vũ trụ Hòa Bình

Module đầu tiên của Trạm vũ trụ Hòa Bình (do Liên Xô xây dựng) được phóng lên quỹ đạo thấp vào năm 1986. Sau khi Liên Xô tan rã, các phi hành gia từ nhiều quốc gia bắt đầu bay lên Trạm Hòa Bình.

Trạm Hòa Bình được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành khoa học vũ trụ Xô Viết. Chi phí dành cho sứ mệnh Trạm Hòa Bình ước tính khoảng 4,2 tỷ USD.

Hệ thống hoa tiêu GLONASS

Hệ thống hoa tiêu vệ tinh GLONASS hình thành trong thời Xô Viết. Nó được khởi công xây dựng vào năm 1976. Hệ thống bao gồm 24 vệ tinh nhân tạo phân bổ đều trên 3 quỹ đạo quanh Trái đất.

Cuối những năm 90 thế kỷ trước, Liên bang Nga gặp khó khăn về tài chính nên việc đầu tư cho hệ thống GLONASS bị cắt giảm. Đến năm 2019, hệ thống GLONASS mới hoạt động hết công suất. Liên bang Nga đã đầu tư khoảng 4,7 tỷ USD để mở rộng hệ thống.

Kính thiên văn không gian James Webb

Sứ mệnh Kính thiên văn không gian James Webb dự định khởi động vào tháng 3/2021. Nhiệm vụ của nó là quan sát trong dải tần đỏ, đặc biệt đối với những ngôi sao đầu tiên hình thành sau Vụ nổ lớn; bên cạnh đó là nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa các thiên hà.

Kính thiên văn không gian James Webb sẽ thay thế Kính viễn vọng vũ trụ Hubble. Do tiến độ xây dựng chậm chạp nên chi phí cho Kính thiên văn không gian James Webb bị thay đổi nhiều. Hiện tại, ước tính chi phí lên tới 8,7 tỷ USD.

Hệ thống định vị GPS

Hệ thống định vị vệ tinh GPS của Bộ Quốc phòng Mỹ được xây dựng từ những năm 70 thế kỷ trước. Vào năm 1978, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của hệ thống được đưa lên quỹ đạo. Trải qua nhiều năm, hệ thống được mở rộng dần.

Đến năm 2011, hệ thống định vị GPS đã có 31 vệ tinh nhân tạo được kết nối với nhau. Chi phí cho sứ mệnh GPS là 12 tỷ USD.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS

Trạm vũ trụ quốc tế ISS có nhiệm vụ hiện thực hóa ước mơ sống trong vũ trụ của nhân loại. Đây là kết quả của sự hợp nhất các dự án xây dựng Trạm Hòa Bình (Nga), Trạm Freedom (Mỹ) và Trạm Columbus (châu Âu).

Ý tưởng cơ bản của Trạm ISS xuất hiện vào những năm 90 thế kỷ XX, khi Canada tham gia vào dự án. Những module đầu tiên được lắp ráp trên quỹ đạo vào năm 1998. Năm 2000, phi hành đoàn đầu tiên được đưa lên trạm. Chi phí cho Trạm ISS đạt tới giá trị 160 tỷ USD.

 Phi hành gia trong Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.

Chương trình Apollo

Mục tiêu của Chương trình Apollo là đưa con người đổ bộ lên Mặt trăng rồi sau đó quay trở về Trái đất an toàn. Một loạt các chuyến bay vũ trụ được thực hiện trong những năm 1966 – 1972.

Nhiệm vụ đưa người đỏ bộ lên Mặt trăng được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1969, trong sứ mệnh Apollo 11. Những chuyến bay tàu con thoi tiếp theo có mục đích khám phá Mặt trăng chi tiết hơn. Chi phí cho Chương trình Apollo lên tới 25,4 tỷ USD.

Hệ thống chuyên chở vào không gian

Những sứ mệnh vũ trụ tốn kém nhất thuộc Hệ thống chuyên chở vào không gian của NASA. Chương trình này chấm dứt vào năm 2011 sau phi vụ tàu con thoi Atlantis. Toàn bộ chi phí cho Chương trình lên tới 209 tỷ USD.

Theo Nhật Linh

Nguồn tin: Báo giáo dục & Thời đại

Bài viết cùng chuyên mục