T7, 19/02/2022 5:19 chiều | Duy An

Song song với các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm giảm leo thang căng thẳng, thì Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng không ngừng cảnh báo Nga về cái giá phải trả nếu có hành động quân sự xa hơn tại Ukraine.

Quan hệ Nga – phương Tây đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mọi nỗ lực hạ nhiệt tới nay đều chưa mang lại kết quả và nguy cơ một cuộc xung đột nóng tại châu Âu vẫn chực chờ.

Xe tăng Ukraine tập trận ở miền Đông nước này hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh hôm qua (18/2) cảnh báo, nếu Nga vẫn quyết đưa quân vào Ukraine bất chấp các nỗ lực ngoại giao của châu Âu, thì chắc chắn quốc tế sẽ có sự trừng phạt nghiêm khắc và Nga sẽ phải trả giá đắt.

“Nếu Nga tấn công Ukraine, chúng tôi sẽ có câu trả lời mạnh mẽ và trên cơ sở phối hợp với các đồng minh. Nga sẽ phải đối mặt với viễn cảnh về sự tháo chạy vốn đáng kể, áp lực gia tăng đối với đồng nội tệ, lạm phát gia tăng, chi phí đi vay cao hơn, suy thoái kinh tế và sự xói mòn năng lực sản xuất. Đây sẽ là một sự thất bại chiến lược hoàn toàn đối với Nga”, ông Daleep Singh nói.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông tin rằng, Tổng thống Nga Putin đã quyết định tấn công Ukraine. Nhận định của Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực miền Đông Ukraine xấu đi trông thấy những ngày qua, với liên tiếp các vụ pháo kích đáp trả qua lại giữa các bên. Bất chấp những chỉ trích và cáo buộc của phương Tây, song Tổng thống Nga Putin hôm qua một lần nữa nhấn mạnh, đây là thời điểm Kiev cần ngồi vào bàn đối thoại với các đại diện đến từ Cộng hòa Donetsk Luhansk nhằm duy trì một lệnh ngừng bắn bền vững.“Những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine đang bị đình trệ. Các cuộc tham vấn giữa Nga và các đối tác đã không giúp ích được gì bất chấp mọi nỗ lực và liên hệ của chúng tôi ở cấp cố vấn và lãnh đạo cấp cao theo định dạng Normandy. Kiev đã không tuân thủ các thỏa thuận Minsk, từ chối thiết lập đối thoại trực tiếp với Donetsk và Luhansk”, ông Putin nói.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến Nga và phương Tây lún sâu vào một cuộc đối đầu căng thẳng mới trên tất cả các mặt trận kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Và đây cũng là nội dung bao trùm Hội nghị an ninh Munich hàng năm khai mạc hôm qua tại Đức.

Có thể nói chưa bao giờ an ninh châu Âu lại bị đe dọa như hiện nay kể từ cơ chế đối thoại an ninh này được thiết lập năm 1963, tập hợp các bộ trưởng, nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh không chỉ của các nước thành viên NATO, mà còn của cả Nga. Nga năm nay đã quyết định không tham gia sự kiện.

Kể từ năm 2000, việc nước Nga dần khôi phục vai trò và sức mạnh của một cường quốc đã đưa  Moscow trở thành một bên trong thế đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây. Sự trở lại của Nga luôn được đem ra để giải thích cho những động thái của Mỹ và phương Tây không ngừng lôi kéo đồng minh hay mở rộng sự hiện diện sang những nước từng nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga trước đây.

Tuy nhiên, song song với những tuyên bố cứng rắn, các bên cũng cho thấy sự tích cực trên mặt trận ngoại giao. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Người đồng cấp Nga Sergei Lavrov dự kiến gặp nhau tại châu Âu vào tuần tới, thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay ngày mai cũng sẽ có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Putin, lần thứ 2 chỉ trong chưa đầy 2 tuần./.

Tác giả: Thu Hoài

Nguồn tin:VOV.VN

Bài viết cùng chuyên mục