T4, 31/03/2021 8:10 sáng | Duy An

Với sức mạnh càng tăng, Trung Quốc khó chấp nhận bị mất mặt và chỉ muốn phô trương sức mạnh. Do vậy, sắp tới thì những cuộc đối đầu như kiểu ở Doklam hay Galwan sẽ thường xuyên hơn chứ không giảm đi.

Ảnh minh họa: Sputnik

Ấn Độ và Trung Quốc thông báo đã hoàn tất việc rút mỗi bên khoảng 10.000 quân ra khỏi khu vực tranh chấp ở hồ Pagongso thuộc miền Đông Laddakh, chấm dứt hơn 10 tháng đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân Châu Á.

Cuộc đối đầu giữa hai nước từ tháng 4/2014 đã leo thang lên đến đỉnh điểm khi mỗi bên triển khai khoảng 50.000 quân giáp mặt nhau chỉ cách 300m, có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột lớn giữa hai nước. Phía Trung Quốc chỉ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán khi bị mất lợi thế chiến thuật do Ấn Độ đưa quân chiếm các điểm cao ở khu vực Bắc và Nam hồ Pagongso vào khoảng tháng 9/2020.

Ngoài khu vực hồ Pagongso, tranh chấp còn diễn ra tại 4 khu vực khác là Gogra, Galwan Valley, Hot Springs và Depsang. Ban đầu Ấn Độ đề nghị 2 bên rút quân khỏi tất cả các điểm tranh chấp, nhưng Trung Quốc không chịu, chỉ chấp nhận rút quân tại Pangongso.

Ngay tại khu vực Pagongso, hai bên cũng không thỏa thuận được phạm vi rút quân của mỗi bên cho đến tháng 11/2020 khi nhiệt độ tại khu vực đã hạ xuống dưới mức âm 20 độ C. Sau 9 vòng đàm phán cấp Tư lệnh quân khu, thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên đã được ký kết vào ngày 11/2/2021. Hai bên chấp nhận rút quân về hai bên đường Kiểm soát thực tế (LAC), trả lại nguyên trạng của khu vực như trước khi cuộc đối đầu xảy ra.

Trong khi cộng đồng quốc tế thở phào khi môt điểm nóng nguy hiểm trong khu vực được hạ nhiệt, thì cả hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố thắng lợi khi đã buộc được bên kia chấp nhận điều kiện của mình và rút quân, dù chủ yếu nhằm giải thích nội bộ. Theo Reuters ngày 22/2, Ấn Độ tỏ ra rất hài lòng với thỏa thuận đạt được và thậm chí còn đang tích cực xem xét cấp phép cho 45 hồ sơ xin đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc, bị treo lại từ năm ngoái khi xảy ra vụ đối đầu.

Nguyên nhân hạ nhiệt: Trung Quốc thất bại cả chiến lược và chiến thuật?

Không có gì lạ khi Ấn Độ vui mừng và đồng ý với thỏa thuận rút quân, vì Ấn Độ rất cần một môi trường hòa bình, để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid. Ấn Độ cũng hiểu rõ cái giá phải trả cho việc phải đối đầu trực tiếp với một nước láng giềng mạnh hơn mình.

Tuy nhiên, để giải thích những lý do khiến Trung Quốc phải đồng ý rút quân là không dễ. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố việc hai bên rút quân là thắng lợi của sự kiên trì và khéo léo ngoại giao của Ấn Độ. Một số phân tích nhất trí với quan điểm này và cho rằng Trung Quốc đã không lường trước được sự tự tin chiến lược và quyết tâm của chính quyền Thủ tướng Modi khi sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc lâu dài.

Dù bị bất lợi về tương quan lực lượng tổng thể, nhưng Ấn Độ đã tạo ra sự cân bằng quân sự trên thực địa bằng cách đưa một lực lượng quân và khí tài tương đương với Trung Quốc. Hơn nữa, Ấn Độ còn chiếm giữ được các điểm cao có lợi thế trong tác chiến quân sự.

Ấn Độ đã ngăn Trung Quốc không thực hiện được chiến thuật 3 bước: tuyên bố chủ quyền, thay đổi nguyên trạng và coi như chuyện đã rồi, như Trung Quốc đã thực hiện ở Biển Đông. Sự kiên quyết đối đầu của Ấn Độ còn thể hiện qua việc nước này cấm mọi dự án đầu tư và hơn 250 ứng dụng của Trung Quốc tại Ấn Độ. Thông điệp của Ấn Độ là không thể tiếp tục buôn bán và đầu tư với Trung Quốc nếu vấn đề biên giới không được giải quyết. Cuộc chiến tranh tâm lý của Trung Quốc nhằm hù dọa Ấn Độ cũng không có tác dụng.

Chấp nhận cùng rút quân: Trung Quốc thất bại kép trước đối thủ lớn nhất ở châu Á? - Ảnh 2.

Không ít người cho rằng Trung Quốc buộc phải lùi bước vì đã thất bại cả về chiến lược và chiến thuật trong vụ đối đầu lần này. Về mặt chiến lược, cuộc đối đầu đã đẩy Ấn Độ gần hơn với Mỹ, cam kết chặt chẽ hơn với Bộ tứ. Cùng lúc với việc hai nước rút quân, đã diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh Bộ tứ lần đầu tiên ngày 18/2. Trong lúc Trung Quốc đối đầu với Ấn Độ thì quan hệ của Trung Quốc với Mỹ cũng xấu đi chưa từng có.

Trung Quốc đã từng hy vọng chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden sẽ điều chỉnh chính sách bớt chống Trung Quốc hơn so với chính quyền Trump và chờ đợi đến lúc kết quả bầu cử Mỹ rõ ràng. Nhưng khi lên nhậm chức, Tổng thống Biden đã tuyên bố ngày 10/2, tức là 1 ngày trước khi Ấn Độ và Trung Quốc ký thỏa thuận rút quân, rằng Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là trong chiến lược chống lại sự hiếu chiến Trung Quốc.

Đối đầu với Ấn Độ cũng không phải là không tốn kém đối với Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ phải duy trì một lực lượng 20 sư đoàn trên biên giới với Ấn Độ mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc qua lại Ấn Độ Dương, cũng như triển khai các kế hoạch Vành đai – Con đường (BRI) và Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC). Về mặt kinh tế, việc Ấn Độ cấm đầu tư Trung Quốc và hàng trăm ứng dụng của Trung Quốc cũng gây cho nước này thiệt hại đáng kể. Ví dụ, TikTok của Trung Quốc bị mất đi thị trường nước ngoài lớn nhất với hơn 100 triệu người dùng tại Ấn Độ. Công ty ByteDance của Trung Quốc thông báo mất một khoản lợi nhuận trị giá 6 tỷ USD do lệnh cấm của Ấn Độ. Lệnh cấm của Ấn Độ đối với 5G của Trung Quốc cũng khiến nước này mất một khoản lợi nhuận không nhỏ. Hơn nữa giảm thương mại với Ấn Độ cũng khiến Trung Quốc mất thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Trong khi đó, do đại dịch Covid và những hành động hiếu chiến của Trung Quốc, vị thế và hình ảnh quốc tế của nước này cũng bị sa sút. Trung Quốc dù mạnh đến đâu cũng không thể đối phó cùng một lúc với nhiều mặt trận, do vậy có thể Trung Quốc quyết định phải rút khỏi cuộc đối đầu với Ấn Độ để tập trung đối phó với sức ép ở Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan là những vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi, đồng thời đảo ngược tình hình nhằm chuyển từ hình ảnh một quốc gia hiếu chiến sang một quốc gia hòa bình.

Chấp nhận cùng rút quân: Trung Quốc thất bại kép trước đối thủ lớn nhất ở châu Á? - Ảnh 3.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc phải rút quân vì thời tiết quá lạnh và khắc nghiệt ở độ cao 4.000 m của khu vực Đông Laddakh đã khiến binh lính Trung Quốc không thể tiếp tục cuộc đối đầu.

Trung Quốc thường gây xung đột với bên ngoài khi cần tập hợp lực lượng và kích động tinh thần dân tộc để che lấp mâu thuẫn nội bộ. Mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc, thể hiện qua vụ trấn áp Jack Ma liên quan tới nhóm Thượng Hải. Sự bất bình trong giới trẻ, kể cả trong quân đội phải sống trong điều kiện cực khổ cũng gây phản ứng của người thân và gia đình họ. Tuy nhiên, cuộc đối đầu biên giới với Ấn Độ lúc này không còn phục vụ lợi ích của Trung Quốc nữa. Trong bối cảnh kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 7 năm nay và Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới, tiếp tục một cuộc đối đầu với Ấn Độ là không có lợi và chỉ làm cho mâu thuẫn nội bộ Trung Quốc tăng lên, hình ảnh và uy tín của ông Tập Cận Bình suy giảm.

Từ tháng 10/2020, Trung Quốc bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ 14, cần tập trung phát triển, đòi hỏi mở rộng quan hệ và giảm những xung đột với nước khác. Việc rút quân, giảm căng thẳng cũng sẽ mở đường cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ, dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS do Ấn Độ đăng cai vào cuối năm nay.

Một số ít nhà phân tích cho rằng Trung Quốc rút quân vì phần nào đã đạt mục đích là biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp khi hai bên đồng ý thiết lập một vùng đệm, mà cả hai bên không được vào tuần tra, dù trước đó Ấn Độ vẫn đi tuần tra trong vùng này. Trung Quốc cũng đạt được một thỏa thuận, trong đó Ấn Độ phải rút khỏi các điểm cao, loại bỏ các lợi thế chiến thuật của Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã thực hiện được ý đồ 2 bước tiến, 1 bước lùi, tức là chiếm 10km sau đó đàm phán lùi 2 km trong vùng lãnh thổ của Ấn Độ.

Tương lai bất định

Về triển vọng, những người bi quan cho rằng ăn mừng Trung Quốc và Ấn Độ rút quân, chấm dứt đối đầu vào lúc này vẫn là quá sớm. Tại khu vực hồ Pagongso, Ấn Độ có lợi thế chiến thuật, nên Trung Quốc phải nhượng bộ, nhưng ở các điểm khác còn lại, nhất là khu vực Depsang, Trung Quốc lại có lợi thế hơn, nên rất khó giải quyết.

Mới đây vòng đàm phán thứ 10 cấp tư lệnh quân đoàn hai bên đã thảo luận 16 tiếng đồng hồ liền về việc rút quân ở các điểm tranh chấp Gogra, Hot Springs, and Depsang nhưng đã không có kết quả gì. Và nếu đúng là Trung Quốc đã nhượng bộ ở Pagongso thì ít có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục nhượng bộ và rút quân vô điều kiện ở những điểm tranh chấp còn lại ở Đông Laddakh.

Một số người thậm chí cho rằng thỏa thuận rút quân lần này vẫn chỉ cái bẫy chiến thuật của Trung Quốc, lừa cho Ấn Độ rút, nhưng Trung Quốc sẽ không thực sự rút hoặc rút xong rồi quay trở lại. Thực tế, tháng 6/2020 hai bên đã thỏa thuận rút quân nhưng phía Trung Quốc đã không chịu rút nên đã xảy ra đụng độ chết người giữa hai bên.

Vấn đề cơ bản giữa Ấn Độ và Trung Quốc là hai bên không có cả lòng tin chiến thuật lẫn lòng tin chiến lược. Hiện nay, tại khu vực Đông Laddakh, mỗi bên vẫn còn tới 50.000 quân cùng nhiều xe tăng, tên lửa.

Chấp nhận cùng rút quân: Trung Quốc thất bại kép trước đối thủ lớn nhất ở châu Á? - Ảnh 6.

Trong thời gian tới, không có gì đảm bảo đối đầu không leo thang trở lại. Không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ không tăng cường các vị trí của trên biên giới, như đã làm sau vụ Doklam. Với sức mạnh càng tăng, Trung Quốc khó chấp nhận bị mất mặt và chỉ muốn phô trương sức mạnh. Do vậy, sắp tới thì những cuộc đối đầu như kiểu ở Doklam hay Galwan sẽ thường xuyên hơn chứ không giảm đi.

Trên toàn tuyến biên giới, đường Kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai bên chưa bao giờ xác định, nên tranh chấp dù có được giải quyết ở điểm này nhưng lại có thể xuất hiện ở những điểm khác. Tổng diện tích tranh chấp giữa hai bên lên tới hơn 120.000 km2, trong đó Trung Quốc đòi chủ quyền đối với 90.000 km2 thuộc bang Arunachal Pradesh ở phía Đông của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ đòi Trung Quốc phải trả lại 33.000 km2 ở Đông Laddakh mà nước này chiếm giữ của Ấn Độ từ năm 1962. Viêc trao đổi lãnh thổ, tức là giữ nguyên hiện trạng (Ấn Độ tiếp tục giữ Arunachal Pradesh, Trung Quốc tiếp tục giữ Đông Laddakh) đã từng được đưa ra, nhưng chưa thể nào trở thành hiện thực vì nội bộ cả hai bên không chấp nhận.

Về mặt chiến lược, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc và Ấn Độ là ngược chiều nhau. Mục tiêu của Trung Quốc là vươn lên thay thế Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, nhưng trước hết phải thống trị được Châu Á. Tuy nhiên, Ấn Độ lại là cản trở lớn nhất để Trung Quốc thực hiện mục tiêu này ở Châu Á. Do vậy, Trung Quốc cần phải đánh bại Ấn Độ về mặt quân sự, kinh tế và làm suy yếu sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bố cả hai khu vực Ladakh và Arunachal Pradesh đều thuộc chủ quyền Trung Quốc. Để đối phó với tham vọng này của Trung Quốc, Ấn Độ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hiện đại hóa quốc phòng và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân để răn đe, và phát triển kinh tế nhanh và toàn diện. Ấn Độ biết không thể nào đứng một mình chống lại Trung Quốc nên chủ trương liên minh với các cường quốc khác nhất là Mỹ và Bộ tứ kim cương. Ấn Độ phải giành giật để các nước láng giềng Nam Á và Đông Nam Á không bị rơi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nói tóm lại, quan hệ song phương giữa Ấn Độ với Trung Quốc dù có thỏa thuận rút quân, vẫn vô cùng bất định.

Tác giả: Đại sứ Tôn Sinh Thành

Nguồn tin: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết cùng chuyên mục