T4, 18/07/2018 5:34 chiều | Vi Văn Tới

Theo giới chuyên gia, sẽ là khôn ngoan nếu kiên nhẫn và giữ những kỳ vọng vừa phải cho tương lai tươi sáng trong mối quan hệ Nga-Mỹ.

photo-0-15318831078621545882299

Dư luận Mỹ chỉ trích màn thể hiện của Tổng thống Trump tại Helsinki. Ảnh: AFP/Getty

Những gì Tổng thống Trump thể hiện tại Helsinki đã thu về hàng tá chỉ trích từ các nhà lập pháp Cộng hòa. Trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, Jeff Flake và Rob Corker. Trên trang Twitter cá nhân, cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan đã gọi hành động của ông Trump “không khác gì là mưu phản”.

Reuters dẫn lời chuyên gia Steven Pifer, người đang làm việc tại Viện Brookings và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách quan hệ với Liên Xô cho rằng: “Sau khi thể hiện tài ngoại giao “vụng về” tại NATO và tại London là màn thể hiện “đáng xấu hổ” của ông Trump tại Helsinki. Không khó để kết luận rằng, những lợi ích và mối quan tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ được đáp ứng tốt hơn nếu ông Trump ở nhà”.

Biên tập viên Helen Coster của Reuters đã nêu ra 5 câu hỏi lớn về cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ và chuyên gia Steven Pifer đưa ra những nhận định của mình trả lời những câu hỏi này.

Điều gì đọng lại sau Thượng đỉnh Nga-Mỹ?

Dựa vào cuộc họp báo chung sau cuộc gặp Thượng đỉnh có thể thấy, Tổng thống Nga Putin có lý do để vui mừng. Ông Putin đã có cuộc gặp Thượng đỉnh chính thức với Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều sẽ giúp ông Putin lật ngược tình thế rằng Nga không còn bị cô lập.

Tổng thống Putin dường như không thừa nhận bất cứ vấn đề lớn nào và Tổng thống Trump lại không thách thức các hành động của Nga.

Tổng thống Trump, ít nhất là trước dư luận, đã thất bại trong việc nêu chỉ trích Nga can thiệp tình hình Ukraine và đã không nói lên được rằng việc Nga can thiệp chính trường Mỹ là không thể chấp nhận được và nếu Nga còn tiếp diễn Mỹ sẽ trả miếng.

“Mọi người chỉ có thể hy vọng rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết tốt hơn tại cuộc thảo luận trực tiếp. Song, rõ ràng là không có lý do nào để tin vào điều này cả”, ông Steven Pifer nói.

Liệu có phải Trump đứng về phía Putin để chống lại tình báo Mỹ?

Việc ông Trump chấp nhận lời phủ nhận của ông Putin trước cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ khiến những đánh giá thận trọng của cộng đồng tình báo Mỹ (và cả những cáo buộc ngày càng gia tăng nhằm vào các cá nhân Nga) trở thành “kỳ lạ”. Ông Trump cho rằng Điện Kremlin không có lý do để tiếp tục các hành động can thiệp vào tiến trình bầu cử tại Mỹ. Đó là: Cuộc bầu cử đã thành công (theo quan điểm của 2 Tổng thống), với chi phí tối thiểu. Và Tổng thống Mỹ dường như không tin rằng Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ.

Phản ứng từ các đồng minh của Mỹ?

Các đồng minh của Mỹ sẽ tự thể hiện lập trường một cách công khai, nhưng họ lại thiếu can đảm khi phản ứng trên tư cách cá nhân.

Trái ngược với việc không sẵn sàng chỉ trích Tổng thống Putin và Nga tại Helsinki, Tổng thống Trump lại không ngần ngại làm điều đó nhằm vào các đồng minh của mình (tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO) ở Brussels, Bỉ. Đặc biệt là những chỉ trích với Đức và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong vấn đề chi tiêu ngân sách quốc phòng. Thêm vào đó, trong cuộc phỏng vấn tại London khi tới thăm Anh sau đó, ông Trump đã liệt Liên minh châu Âu vào danh sách những kẻ thù đầu bảng của Mỹ.

Kỳ vọng nào cho quan hệ Nga-Mỹ sắp tới?

Hy vọng rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ mở ra các cuộc đối thoại sau đó, vốn có thể giúp thúc đẩy một số tiến triển. Tổng thống Putin đã mở cánh cửa đối thoại về kiểm soát vũ khí, trong đó có việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, vốn sẽ có lợi cho Mỹ.

“Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì sẽ đến, song sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta kiên nhẫn và giữ những kỳ vọng vừa phải”, ông Steven Pifer nhận định.

Hành xử của Nga trong tương lai?

Để quan hệ Nga-Mỹ thực sự cải thiện sẽ đòi hỏi ít nhất một số thay đổi trong chính sách của Nga, trong các vấn đề như khủng hoảng Ukraine, việc can thiệp nội bộ chính trường Mỹ hay vấn đề Syria.

Theo ông Steven Pifer, Tổng thống Trump dường như không đưa ra lý do nào để người đồng cấp Putin phải thay đổi các chính sách này. Do đó, Nga sẽ vẫn tiếp tục các chính sách và cách hành xử như hiện nay.

Theo Hoàng Lê

VOV

Bài viết cùng chuyên mục