T2, 24/05/2021 11:05 sáng | Duy An

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ chặn máy bay để bắt giữ nhà báo đối lập của Belarus.

Roman Protasevich (trái) được cho là đã bị lực lượng an ninh Belarus bắt giữ hôm 23/5. Ảnh: The Times

Belarus hôm 23/5 vừa buộc một máy bay dân sự của hãng hãng hàng không Ryanair (Ireland) phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn khi đang trên đường từ Athens tới Vilnius, để bắt giữ một nhà báo đối lập có mặt trên chuyến bay này.

Theo The Moscow Times, động thái của Belarus đã dấy lên làn sóng phẫn nộ từ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu.

Cụ thể, theo đài truyền hình nhà nước Belarus, Roman Protasevich, một blogger đối lập 26 tuổi đang lưu vong ở Ba Lan, vừa bị bắt giữ tại Minsk hôm 23/5 sau khi chuyến bay mang số hiệu FR4978 bị buộc chuyển hướng trong không phận EU vì mối đe dọa bị “đánh bom”.

Tình tiết vụ bắt giữ được miêu tả giống với một bộ phim hành động Hollywood: Khi đó, chiếc máy bay dân sự mang số hiệu FR4978 đang đi qua không phận Belarus trên hành trình từ Athens – Hy Lạp đến Vilnius – Litva, thì nhận được thông báo nói rằng máy bay “có bom” và yêu cầu máy bay phát tín hiệu khẩn cấp.

Sau đó, một chiếc chiến đấu cơ MiG-29 đã xuất hiện để hộ tống máy bay dân sự này tới thủ đô Minsk của Belarus. Kênh tin tức đối lập NEXTA cho biết lực lượng an ninh Belarus đã được bố trí trên chuyến bay này từ trước.

Khi máy bay hạ cánh ở Minsk, lực lượng an ninh Belarus đã lập tức bắt giữ ông Roman Protasevich, người sáng lập kênh tin đối lập NEXTA trên mạng xã hội Telegram. Lực lượng an ninh Belarus còn sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra hành lý của các hành khách trên chuyến bay.

Sau nhiều giờ dừng chân ở Belarus, chuyến bay đã tiếp tục hành trình và hạ cánh ở thủ đô Vilnius của Litva vào lúc 18h25′ (giờ GMT).

EU phẫn nộ vụ Belarus chặn máy bay trên không, bắt người như phim: Hành động khủng bố nhà nước! - Ảnh 2.

Roman Protasevich bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc biểu tình năm 2017

“KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC”

Phản ứng về vụ việc, nhiều lãnh đạo của các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) đã tỏ ra hết sức phẫn nộ. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích việc Belarus chuyển hướng chuyến bay là “hành động khủng bố nhà nước”, trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi “phản ứng mạnh mẽ và thống nhất” từ EU.

Một phát ngôn viên của EU cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 24-25/5, liên minh này sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì vụ bắt giữ hôm 23/5.

Trong khi đó, vào thời điểm chuyến bay FR4978, bị buộc chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell thể hiện sự phẫn nộ trên Twitter: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ Belarus chịu trách nhiệm về an ninh của tất cả hành khách và máy bay. TẤT CẢ hành khách phải được tiếp tục hành trình của mình ngay lập tức” – ông Borrell ngầm ám chỉ rằng chính phủ Belarus phải trả tự do cho Protasevich.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói rằng đây là vụ việc “chưa từng có tiền lệ”. “Tôi kêu gọi các đồng minh NATO và EU có phản ứng ngay lập tức trước mối đe dọa do Belarus gây ra cho hàng không dân dụng quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải có động thái ngay lập tức để điều này không lặp lại,” ông Nauseda nói.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng đã lên án động thái của chính phủ Belarus: “Việc buộc một máy bay thương mại hạ cánh để bắt giữ một nhà báo là một hành động gây sốc chưa từng có”.

Ông Mitsotakis nói thêm: “Chúng tôi yêu cầu tất cả các hành khách được thả ngay lập tức, đồng thời kêu gọi EU hành động để tăng cường áp lực lên Belarus.”

Chính phủ Ireland, nơi đặt trụ sở chính của hãng hàng không Ryanair, đã gọi vụ việc là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, trong khi NATO chỉ trích hành động của Belarus là “nguy hiểm” và yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Belarus bắt đầu nổ ra từ ngày 9/8/2020, sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với 80,1% số phiếu bầu.

Phe đối lập tuyên bố không công nhận kết quả này, và tin rằng người chiến thắng không phải ông Lukashenko mà là bà Svetlana Tikhanovskaya.

Các biện pháp trấn áp đám đông biểu tình như xịt hơi cay, vòi rồng, lựu đạn gây choáng và đạn cao su đã được áp dụng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, nhiều người bị thương. Cơ quan bảo vệ pháp luật của nước này đã phải ra quyết định chấm dứt việc giải tán đám đông biểu tình bằng vũ lực.

Protasevich là một trong những người sáng lập kênh tin tức đối lập NEXTA – kênh Telegram đã trở thành một trong những nguồn tin chính về các cuộc biểu tình ở Belarus./.

Tác giả: Hồng Anh

Nguồn tin: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết cùng chuyên mục