T5, 10/09/2020 5:48 chiều | Duy An

Chấm dứt “kỳ trăng mật” với Trung Quốc, Đức chuyển hướng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, thúc đẩy trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế chứ “không phải luật lệ của kẻ mạnh”.

Sau nhiều năm định hình chính sách châu Á xoay quanh Trung Quốc, Đức đã có bước ngoặt bất ngờ khi chuyển hướng tập trung hợp tác với các quốc gia khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy các quy tắc và luật lệ quốc tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Sự dịch chuyển này diễn ra như một phần cho thấy châu Âu ngày càng nâng cao cảnh giác về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng như các hành động quyết đoán hơn của Bắc Kinh. “Chúng tôi muốn góp phần vào việc định hình trật tự tương lai toàn cầu dựa trên các quy tắc và sự hợp tác quốc tế chứ không phải dựa trên luật lệ của kẻ mạnh”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định hôm 2/9. Như vậy, Đức đã đã thực hiện những bước đi mới trong chính sách ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp và thúc đẩy việc mở cửa thị trường trong khu vực. Chiến lược này của Đức được cho là tương tự với chiến lược của Pháp, Nhật Bản, Australia và các nước thành viên trong ASEAN. Thời kỳ “trăng mật” Đức – Trung chỉ còn là quá khứ? Trung Quốc từng là trọng tâm chiến lược ngoại giao của Đức tại châu Á khi Thủ tướng Angela Merkel thăm nước này gần như mỗi năm. Trung Quốc cũng chiếm khoảng 50% trao đổi thương mại của Đức tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế lại không đi cùng với việc mở cửa vào thị trường Trung Quốc như Đức mong muốn. Các công ty của nước này hoạt động ở đây buộc phải chuyển giao công nghệ cho chính phủ Trung Quốc. Việc đàm phán hiệp định đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề trên vẫn đình trệ đã làm dấy lên mối lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng lớn vào Bắc Kinh. Các động thái của Trung Quốc ở Hong Kong và Tân Cương cũng tạo nên sự ngần ngại ở Đức đối với chính sách ủng hộ Trung Quốc của Thủ tướng Merkel. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Berlin đã thực hiện hướng tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh, trong đó có việc chỉ trích các khoản nợ khổng lồ mà các quốc gia tham gia sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh phải gồng gánh. Các công ty Đức cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động kinh doanh và việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất robot Kuka của Đức vào cuối năm 2016. Dù vậy, các công ty đều ngần ngại khi nhắc đến việc từ bỏ một thị trường khổng lồ như Trung Quốc. Chỉ riêng năm ngoái, Đức đã xuất khẩu gần 100 tỷ euro hàng hóa sang Trung Quốc, chiếm hơn 1 nửa giá trị các loại hàng hóa của EU xuất khẩu sang quốc gia này. Đức cũng mua nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn so với lượng hàng hóa mà Berlin xuất khẩu sang đây, khiến cho Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại toàn diện lớn nhất của nước này. Mặc dù xét về tổng thể, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức nhưng việc xuất khẩu sang Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Thậm chí ngay giữa đại dịch, Trung Quốc vẫn là một trụ cột quan trọng khi việc xuất khẩu của Đức sang nước này quay trở lại mức trước khủng hoảng, trong khi xuất khẩu sang Mỹ lại giảm. Ngoài ra, vào năm ngoái, khoảng 40% phương tiện bán ra của Volkswagen cũng như gần 30% sản phẩm của Daimler và BMW đã được xuất sang Trung Quốc. CEO của Volkswagen là Herbert Diess đã gọi Trung Quốc là “thị trường quan trọng nhất” của công ty này. Nhà sản xuất này hồi tháng 5 cũng đồng ý mua 50% cổ phiếu của công ty quốc doanh Trung Quốc JAC Motors. Volkswagen đã thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc sau khi dính bê bối khí thải ở Mỹ và những bước lùi về quan hệ với công ty Tata Motors ở Ấn Độ. Daimler và BMW cũng coi Trung Quốc là “chìa khóa thành công”, đặc biệt khi thị trường châu Âu vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19. BASF, một nhà sản xuất chất hóa chất hàng đầu của Đức đang xây dựng dự án hóa chất tổng hợp thứ hai tại Trung Quốc. Nhà máy hóa chất thứ 2 của công ty này ở tỉnh Quảng Đông sẽ hoàn thành năm 2030 với tổng chi phí lên đến 10 tỷ USD. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 9/9 đã thảo luận về mối quan hệ EU – Trung Quốc trước thềm các cuộc trao đổi cấp cao giữa 2 bên. Nhà lãnh đạo Đức dự kiến sẽ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua video ngày 14/9 tới. Đức hiện đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của EU giữa bối cảnh mối quan hệ của khối này với Trung Quốc là trung tâm các mục tiêu chính sách đối ngoại của Berlin. “EU có thể phải đối mặt với phép thử trong môi trường chính trị toàn cầu này. Vì thế, Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng ta”, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Niels Annen nhận định tại Hạ viện. Đức chuyển hướng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tuy nhiên, châu Âu nhìn chung vẫn đang trong quá trình đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc. Năm 2019, EU đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, đồng thời nhấn mạnh đến sự đối đầu về công nghệ và thương mại với quốc gia châu Á này. Sự dịch chuyển nêu trên cho thấy Brussels đang có một chiến lược tỉnh táo hơn với Bắc Kinh, nhà phân tích Patrick Koellner tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức nhận định. Đức có kế hoạch hợp tác với Pháp để xây dựng chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương cho toàn EU. Mục tiêu của Berlin là nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong vấn đề này thông qua sự ủng hộ của toàn liên minh. Anh và Pháp cũng bắt đầu “đóng băng” sự tham gia của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei trong mạng lưới 5G của các nước này. Ngoại trưởng Vương Nghị gần đây đã có chuyến thăm châu Âu như một phần trong chiến lược “tấn công quyến rũ” song chuyến thăm này đã khiến những rạn nứt giữa 2 bên ngày càng sâu sắc. Janka Oertel – giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu nhận định với Politico rằng, đại dịch Covid-19 và các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc khiến EU hoài nghi và thiếu tin tưởng vào Bắc Kinh. “Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi về mức độ tin tưởng giữa EU và Trung Quốc, vốn từng rất cao nhưng nay đã rất thấp”./.

Nguồn tin: Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

Bài viết cùng chuyên mục