T4, 25/07/2018 9:16 chiều | Vi Văn Tới

Theo một báo cáo mới được Viện Bảo Vệ Môi Trường Mỹ tiết lộ, dự án xây dựng đập Sambor – đập thủy điện lớn nhất trên sông Mekong – có nguy cơ ‘giết chết’ dòng sông này.

Nguy cơ từ dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất sông Mekong

Một báo cáo mới được tiết lộ trên trang web của Viện Bảo Vệ Môi Trường Mỹ vừa qua cho biết dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất sông Mekong – đập Sambor – có nguy cơ ‘giết chết’ dòng sông chảy qua 6 quốc gia châu Á này.

Được biết, chủ thầu dự án xây đập thủy điện Sambor là Công ty Lưới điện Hoa Nam (CSPG) của Trung Quốc. Với chiều rộng lên tới 18km – riêng hồ tích nước đã có diện tích lên tới 620 km2 – đập thủy điện này được cho là sẽ tạo thành một rào chắn khổng lồ ảnh hưởng đến lưu lượng nước và hệ sinh thái trên sông Mekong.

Tuy hiện nay Bộ Năng lượng và Khoáng sản Campuchia vẫn chưa thông qua dự án đập Sambor, nhưng đây vẫn là ưu tiên hàng đầu về lĩnh vực năng lượng đối với chính phủ nước này.

Báo cáo của Viện Bảo Vệ Môi Trường Mỹ kết luận rằng dự án đập thủy điện Sambor đã lựa chọn “vị trí tệ nhất” trên sông Mekong để đặt một công trình có quy mô và tầm cỡ lớn như vậy.

Theo tổ chức này, đập Sambor sẽ có những tác động “hủy hoại” đối với nghề đánh bắt cá và những người dân địa phương phụ thuộc vào nguồn cung thủy sản của sông Mekong. Các loài cá là nguồn thực phẩm quan trọng đối với khoảng 80% dân số Campuchia.

Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và an ninh lương thực trong khu vực, đập Sambor còn có nguy cơ khiến hàng ngàn gia đình mất nhà cửa. Theo các nghiên cứu sơ bộ, gần 20.000 người dân trong khu vực sẽ phải di dời nhà ở và tái định cư để dự án xây dựng đập Sambor được tiến hành.

Hơn nữa, với quy mô được cho là lớn nhất sông Mekong nếu được xây dựng, sức chứa của đập Sambor lớn hơn nhiều so với đập Xe Pian – Xe Namnoy vừa xảy ra sự cố nứt vỡ và lũ lụt kinh hoàng tại Lào, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng trăm người khác hiện vẫn chưa rõ tung tích.

Như vậy, nếu một sự cố tương tự xảy ra với con đập Sambor, thì con số thiệt hại về người và của sẽ còn lớn đến đâu? Đây cũng là vấn đề mà các nhà chức trách địa phương cần cân nhắc trước khi quyết định thông qua dự án xây dựng công trình thủy điện này.

Mỹ cảnh báo về đập thủy điện lớn nhất sông Mekong: Khối nước khổng lồ đặt ở vị trí tồi tệ nhất - Ảnh 2.

Nhiều ngôi nhà bị dòng nước lũ ‘nuốt chửng’ sau sự cố vỡ đập thủy điện của tỉnh Attapeu, Lào. Ảnh: ABC Laos.

Đập to, rủi ro lớn

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy con người đã ảnh hưởng đến nguồn cung nước toàn cầu – không chỉ do nguyên nhân gián tiếp như biến đổi khí hậu, mà còn bằng các cách trực tiếp hơn như xây dựng các hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng, hay xây các con đập ngăn nước và đập thủy điện.

Hiện nay trên thế giới có hàng vạn đập thủy điện. Tuy vậy, một số công trình thủy điện vừa không hiệu quả, lại vừa tàng ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và người dân trong khu vực.

Ví dụ như đập Tam Hiệp – dự án thủy điện khổng lồ trị giá hàng tỉ USD được xây dựng trên sông Dương Tử – từng khiến 13 thành phố và 140 thị trấn của Trung Quốc chìm trong biển nước và 1,3 triệu dân phải tái định cư vì mất nhà cửa.

Ngoài ra, đập Tam Hiệp cũng ảnh hưởng tới dòng di chuyển của các loài cá, làm suy yếu cấu trúc của các dốc thung lũng lân cận, và gây ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng.

Không đơn thuần chỉ vì đập nước, mà hiểm họa còn đến từ những bộ phận khác trong công trình thủy điện. Giữa thế kỉ 20, trong giai đoạn bùng nổ phong trào xây đập thủy điện, các chuyên gia đã cảnh báo rằng các đập thủy điện và hồ chứa nước tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) có thể khiến mực nước dâng lên và dẫn tới thảm họa.

Tháng 8/1975, những lo ngại trên đã trở thành sự thật khi đập thủy điện Banqiao của tỉnh Hà Nam bị vỡ sau một trận mưa bão lớn. Thảm họa vỡ đập Banqiao đã khiến gần 171.000 người dân địa phương thiệt mạng.

Trong những năm gần đây, dư luận thế giới đang hết sức lo ngại về các đập thủy điện lớn như đập Mosul của Iraq hay đập Kariba nằm giữa Zambia và Zimbabwe, sau khi giới chức địa phương cảnh báo các công trình này đã xuống cấp trầm trọng và có thể xảy ra tình trạng vỡ đập bất cứ lúc nào.

Không chỉ các đập thủy điện lớn, mà các đập nhỏ cũng rất nguy hiểm. Sự cố vỡ đập tại một đập thủy điện nhỏ xây dựng trái phép tại Kenya hồi tháng 5 vừa qua đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, và cướp đi sinh mạng của nhiều người dân địa phương.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh rằng các đập thủy điện lớn không chỉ kém hiệu quả về sản lượng điện, mà còn tiêu tốn rất nhiều chi phí.

Theo các chuyên gia, thay vì chỉ sử dụng năng lượng nước, các quốc gia có thể cân nhắc lắp đặt pin mặt trời ngay trên các công trình này để đạt được sản lượng điện cao hơn. Đồng thời, giải pháp này còn giúp tối ưu hóa chi phí và bảo vệ môi trường tại các quốc gia có nhiều nhà máy thủy điện.

theo Thời đại

Bài viết cùng chuyên mục