T6, 18/10/2019 5:28 chiều | Duy An

Chỉ ít lâu sau khi ông Pence phát biểu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã đính chính lại rằng thỏa thuận của hai nước không phải là “ngừng” bắn, mà chỉ là “tạm dừng” bắn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Phó Tổng thống Mỹ Pence. Ảnh: Reuters.

Khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt tay nhau tại căn cứ Không quân Andrews trước khi lên hai chiếc máy bay riêng biệt để sang Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, không khí trong Nhà Trắng khá u ám, CNN đưa tin.

Chỉ vài giờ trước khi hai vị quan chức cấp cao này lên đường, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định rằng thỏa thuận này không thuộc trách nhiệm của Mỹ.

Kể từ sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Nhà Trắng đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích từ các nghị sĩ Quốc hội – kể cả các thành viên đảng Cộng hòa của ông Trump – rằng Mỹ hành động như vậy đồng nghĩa với bỏ rơi đồng minh người Kurd.

Nhiều quan chức trong chính quyền ông Trump nói rằng họ không có nhiều kỳ vọng đối với cuộc đàm phán lần này, thậm chí một số người còn không hiểu vì sao các quan chức Mỹ được phái tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, khi Phó Tổng thống Pence kết thúc cuộc đàm phán 9 giờ và công bố về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời với Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều ý kiến đã tỏ ra nghi ngại.

“Ngày hôm nay, chúng tôi [Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ] đã đồng ý ngừng bắn [tạm thời] ở Syria”, ông Pence tuyên bố trong cuộc họp báo được tổ chức vào đêm muộn.

Mỹ-TNK đàm phán chóng vánh, kết quả khiến nhiều người cau mày: Mỹ cứ ngỡ thành công nhưng thực chất toàn nhường Thổ? - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công bố kết quả cuộc đàm phán giữa hai nước Mỹ-Thổ. Ảnh: CNN

Theo tuyên bố của vị Phó Tổng thống Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm dừng chiến dịch quân sự trong vòng 5 ngày, và Mỹ sẽ tạo điều kiện cho lực lượng dân quân người Kurd (YPG) rút khỏi các khu vực bị ảnh hưởng trong “vùng an toàn” do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Ông Pence khẳng định rằng mục tiêu của ông trong cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ là “ngăn chặn vũ lực”, và ông đã đạt được điều đó.

Tuy nhiên, sau khi những chi tiết về thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, dư luận lại bắt đầu hoài nghi về cái gọi là “thành công” của Mỹ trong cuộc đàm phán này.

Chỉ ít lâu sau khi ông Pence phát biểu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã đính chính lại rằng thỏa thuận của hai nước không phải là “ngừng” bắn, mà chỉ là “tạm dừng” bắn. Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump sau đó đã vội bác bỏ những mâu thuẫn về ngữ nghĩa trong tuyên bố của hai nước, và nói rằng việc người Thổ Nhĩ Kỳ không thoải mái với cụm từ “ngừng bắn” không có nghĩa là họ không đồng tình với điều đó.

Thỏa thuận của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề đưa ra những cam kết thực sự với Mỹ.

“[Thỏa thuận này] gần như chỉ là phía Mỹ xác nhận những điều Thổ Nhĩ Kỳ đã làm, “cho phép” Ankara chiếm lấy một phần Syria, và di tản cộng đồng người Kurd”, một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump nhận định với CNN.

“Đây là điều Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn, và [ông Trump] đã bật đèn xanh cho họ. Tôi cho rằng một trong những lí do Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với thỏa thuận này là bởi họ muốn loại bỏ người Kurd để tiến xa hơn về phía Nam Syria. Nếu chúng ta không duy trì các lệnh trừng phạt, thì lần này Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng lớn”, quan chức trên nói.

Được biết, sau khi buổi họp báo của ông Pence kết thúc, các trợ lý của ông đã công bố bức ảnh chụp văn bản có tên là “Tuyên bố chung của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về Đông Bắc Syria”.

Tuy nhiên, theo CNN, văn bản này không hề sử dụng cụm từ “ngừng bắn” như tuyên bố của ông Trump, và đa phần nội dung trong đó là những nguyện vọng của phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Cố vấn an ninh của ông Trump, ông Robert O’Brien, đã tới Ankara một ngày trước cuộc đàm phán cùng đặc sứ Mỹ tại Syria. Hai nhân vật này đã dành hàng tiếng đồng hồ để thảo luận cùng những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về bản dự thảo của thỏa thuận trên; và sau đó họ tiếp tục thảo luận cùng hai ông Pence và Pompeo. Cuối cùng, hôm thứ 5 (17/10) vừa qua, các điều khoản trong thỏa thuận mới được hoàn thành.

Mặc dù vậy, các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn đang nằm trên bàn. Trong những ngày gần đây, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ hủy hoại nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu người đồng cấp Recep Tayyip Erdoğan có bất kỳ bước đi sai lầm nào, và trong bức thư mới được công bố, ông Trump đã trực tiếp cảnh cáo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ “đừng làm kẻ cứng đầu. Đừng làm thằng ngốc!”.

Mỹ-TNK đàm phán chóng vánh, kết quả khiến nhiều người cau mày: Mỹ cứ ngỡ thành công nhưng thực chất toàn nhường Thổ? - Ảnh 3.

Tổng thống Trump đã viết thư cảnh báo ông Erdogan “đừng làm thằng ngốc”. Ảnh: CNN

Theo tiết lộ của các quan chức trong chính quyền Ankara, bức thư trên đã bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ném ngay vào sọt rác sau khi đọc. Và trong cuộc đàm phán ngày hôm qua, các quan chức của hai nước cũng tuyệt nhiên không nhắc tới bức thư ấy, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ.

Theo lời ông Pence, Tổng thống Trump đã đồng ý không áp thêm lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Và ông Trump cũng đồng ý sẽ rút lại các lệnh trừng phạt vừa giáng xuống Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước, một khi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn bắt đầu có hiệu lực.

Thời gian áp dụng lệnh ngừng bắn cũng là một vấn đề rất quan trọng trong cuộc đàm phán của hai nước, theo lời một quan chức Mỹ. Được biết, hai ông Pence và Erdoğan đã dành rất nhiều thời gian trong 9 tiếng đồng hồ chóng vánh để bàn về vấn đề này. Cuối cùng, hai bên đã thống nhất sẽ ngừng bắn trong 120 giờ, và phía Mỹ cũng cho rằng khoảng thời gian này là hợp lý để di tản lực lượng người Kurd khỏi khu vực Bắc Syria, tránh thảm cảnh tàn sát diễn ra.

Theo CNN, các quan chức Mỹ cũng đã duy trì liên lạc với các thành viên YPG trong suốt cuộc đàm phán hôm 17/10 vừa qua để đảm bảo rằng lực lượng người Kurd có thể rút lui an toàn và tuân thủ lệnh ngừng bắn theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi được thông báo về kết quả đàm phán, Tổng thống Trump đã vui mừng phát biểu trước báo giới:

“Tôi muốn nói lời cảm ơn tổng thống Erdogan. Ông ấy là bạn của tôi, và tôi rất vui mừng vì chúng tôi không gặp vấn đề gì bởi vì, thẳng thắn mà nói, ông Erdogan là một nhà lãnh đạo đáng sợ.

Khi súng nổ, mọi thứ bắt đầu hỗn loạn, nhưng thay mặt Mỹ, tôi muốn cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã ngồi lại và biến điều này thành sự thật. Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người. Và một điều khác nữa là tôi muốn cảm ơn người Kurd bởi vì họ rất vui mừng trước giải pháp này. Đây là một giải pháp thực sự cứu mạng người. Cứu mạng rất nhiều người.

Hôm nay là ngày tuyệt vời cho nền văn minh nhân loại và một ngày tuyệt vời cho người Kurd”.

Đảng Cộng hòa giận dữ?

Một số người chỉ trích quyết định của ông Trump nặng nề nhất lại là những đồng minh thân cận nhất của ông trong đảng Cộng hòa, theo CNN. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đến từ bang Nam Carolina đã gọi quyết định này là hiểm họa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia khi khủng bố IS có cơ hội trỗi dậy.

Sau khi ông Pence công bố kết quả cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Gramham đã bày tỏ hy vọng vào một thỏa thuận tốt dù chưa được thông báo về chi tiết của thỏa thuận này. Thượng nghĩ sĩ này cũng mong chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho khi hai bên kí kết thỏa thuận cuối cùng.

Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa khác lại không mấy tin tưởng về thỏa thuận với Ankara.

“Tôi hy vọng rằng hai bên sẽ tôn trọng thỏa thuận này, nhưng vấn đề quan trọng là tại sao các điều khoản thỏa thuận lại không được bàn bạc trước khi Tổng thống [Trump] đưa ra quyết định rút quân [khỏi Bắc Syria]”, Thượng nghị sĩ Mitt Romney đến từ bang Utah cho biết.

theo Trí Thức Trẻ

Bài viết cùng chuyên mục