T4, 28/07/2021 5:33 chiều | Duy An

Tuần trước, trận mưa lũ ập đến tỉnh Hà Nam của Trung Quốc quá bất ngờ đã khiến nhiều người bị sốc và trở tay không kịp.

Nguồn sống bị mưa lũ "nuốt chửng", người nông dân TQ tuyệt vọng cùng cực: "Bầu trời như sụp đổ!"

Hình ảnh được cắt từ video của Reuters

Ông Cheng, một người nông dân Trung Quốc lội qua khu vực ngập nước sâu đến tận đầu gối, kéo theo sau từng xác lợn chết trương sau trận mưa lũ khủng khiếp vừa càn quét miền Trung nước này vào đầu tuần trước.

Hơn 100 con trong đàn lợn của ông Cheng đã chết đuối trong trận lũ lụt khiến tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc tê liệt – và thủ phủ Trịnh Châu là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Giờ đây, những người còn sống sót sau trận lũ đang phải đối mặt với tương tai u ám.

“BẦU TRỜI NHƯ SỤP ĐỔ”

“Tôi đang chờ nước rút để xem mình có thể làm gì với số lợn còn lại”, người nông dân 47 tuổi đến từ một ngôi làng cách Trịnh Châu khoảng 90 km về phía Bắc cho biết. “Chúng phải chịu cảnh ngập nước đã mấy ngày nay rồi, và chẳng có gì ăn cả. Tôi không nghĩ chúng sẽ sống sót”.

Trang trại của ông Cheng là một trong số hàng ngàn trang trại ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vốn nổi tiếng về nông nghiệp và đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn. Tuần trước, trận lũ ập đến quá bất ngờ đã khiến nhiều người bị sốc và trở tay không kịp.

“Chỉ trong nháy mắt, chúng tôi đã mất toàn bộ kế sinh nhai. Chúng tôi đâu còn kỹ năng nào khác, mà cũng chẳng còn tiền nuôi lợn nữa” – ông Cheng, người đã làm nghề chăn nuôi lợn cả đời, nói với phóng viên Reuters hôm 25/7.

“Tôi cảm thấy như bầu trời đã sụp đổ“, ông Cheng nói.

Người nông dân tỉnh Hà Nam đau lòng thu dọn thiệt hại sau trận mưa lũ lịch sử. Ảnh: Reuters

Khoảng 3.000 cư dân khác trong ngôi làng này – những người sinh sống bằng nghề chăn nuôi gà, lợn hoặc trồng ngũ cốc – cũng đang thu dọn tàn dư của trận lũ lụt kinh hoàng.

Gà chết được xếp vào thùng hoặc xe cút kít. Xác lợn nằm sõng soài trong dòng nước, được buộc tạm vào thân cây để ngăn chúng trôi đi. Nhiều khu vực trong ngôi làng xộc lên mùi bùn và mùi thối rữa của xác động vật.

Trận lũ đã giết chết ít nhất 200.000 con gà và gần 6.000 con lợn – tương đương 1/2 số gà và lợn của cả ngôi làng cộng lại, theo lời những người nông dân. Trên toàn tỉnh Hà Nam, mưa lũ đã phá hủy 1.678 trang trại quy mô lớn hơn thế, và giết chết hơn 1 triệu gia súc, gia cầm.

Trung Quốc đã đẩy mạnh mô hình chăn nuôi lợn bằng kỹ thuật tiên tiến trong những năm gần đây, nhưng hàng triệu người nông dân nhỏ lẻ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất loại thịt ưa thích của người dân nước này.

Ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành vào năm 2018-2019, nhiều người dân vẫn trở lại chăn nuôi lợn và mở rộng quy mô lớn để tận dụng lúc bán được giá.

Ông Cheng cho biết ông đang phải đối mặt với khoản lỗ khoảng 30.000 Nhân dân tệ (hơn 4.600 USD) và lo lắng rằng mình sẽ không được chính phủ bồi thường.

Trong một đoạn phóng sự của Reuters, một người nông dân đã nói trong cơn tuyệt vọng: “Không có thức ăn, nước uống. Làm sao chúng tôi có thể tiếp tục sống được đây? Chúng tôi đã phá sản rồi”.

“Hy vọng đến lúc đoạn phim này lên sóng, chúng tôi vẫn còn sống”, một người nói./.

NỖI LO VỀ DỊCH BỆNH

Ngoài vấn đề sinh kế, mưa lũ cũng khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới.

Mùa hè năm ngoái, mưa lớn và lũ lụt càn quét miền Nam Trung Quốc được cho là nguyên nhân gây ra hàng chục đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Ông Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao của Rabobank cho biết: “Vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng hơn nhiều so với tổn thất trực tiếp do thiên tai.”

Virus gây dịch tả lợn tồn tại khoảng 10 ngày trong phân lợn và nước, và có thể tồn tại đến 100 ngày trong hố phân.

Ông Wayne Johnson, bác sĩ thú y kiêm nhà tư vấn tại công ty tư vấn Enable Ag-Tech có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Nước lũ sẽ cuốn trôi toàn bộ những thứ trong hố phân và phát tán ra xung quanh”.

Tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn cho chính quyền địa phương về cách phòng chống dịch bệnh ở gia súc và gia cầm sau lũ lụt, bao gồm các biện pháp xử lý xác động vật và khử trùng trang trại.

Tuy nhiên, hiện tại, những người nông dân ở ngôi làng của ông Cheng thậm chí còn không chắc liệu họ có làm nghề nông nữa hay không.

Ông Zhang Guangsi, 53 tuổi, người đã mất khoảng một nửa đàn gia súc trong trận lũ cho biết: “Tôi đã chăn nuôi nhiều năm những chỉ trong nháy mắt, mọi thứ đã biến mất. Tôi không muốn nuôi lợn nữa”./.

(Theo Reuters)

Tác giả: Hồng Anh

Nguồn tin: Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết cùng chuyên mục