T4, 02/10/2019 3:25 chiều | Duy An

Sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của Trung Quốc đã khiến các quốc gia lớn khác phải dè chừng.

Ảnh minh họa: Reuters

Ngày hôm qua (1/10), Trung Quốc đã tổ chức lễ kỉ niệm Quốc khánh 70 năm. Viết về sự kiện này, tờ India Today của Ấn Độ đã có bài viết so sánh những nét tương đồng và sự phát triển chênh lệch của hai quốc gia trong cùng một giai đoạn. Dưới đây là nội dung bài viết:

Cùng xuất phát từ những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, Ấn Độ có phần “già” hơn Trung Quốc. Mặc dù có thể chế chính trị khác nhau, nhưng 2 nước có nhiều điểm chung trong việc quản lí đất nước và phát triển kinh tế.

Trung Quốc theo hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1949, cùng thời điểm khi Ấn Độ áp dụng thể chế mới. Cả hai quốc gia đều bắt đầu tái thiết từ năm 1950 – Trung Quốc dưới thời ông Mao Trạch Đông và Ấn Độ dưới thời ông Pandit Jawaharlal Nehru.

Vào thời điểm đó, Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất ở châu Á bất chấp gần 200 năm bị khai thác thuộc địa. Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp trong cuộc đua. Ông Mao Trạch Đông là “đối thủ lớn” của ông Pandit Nehru, người được các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá là người có tầm nhìn xa trông rộng.

Nhìn Trung Quốc tưng bừng kỉ niệm 70 năm, nước láng giềng lớn phải dè chừng - Ảnh 1.

Ảnh: Tân Hoa Xã

Sau ngày 1/10, Trung Quốc bước sang tuổi thứ 70 và đang dẫn trước Ấn Độ trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, quân sự, công nghệ và thậm chí kiểm soát ô nhiễm. Trung Quốc đã trải qua một quá trình toàn diện để trở thành một cường quốc trên thế giới trong khi Ấn Độ chỉ được coi là một “thế lực mới nổi”.

Trên thực tế, Ấn Độ cần học một số kinh nghiệm từ Trung Quốc – quốc gia từng “nghèo” hơn Ấn Độ về GDP đầu người cho tới những năm 1990. Ngày nay, năm 2019, GDP đầu người của Trung Quốc cao gấp 4,6 lần Ấn Độ.

Cải cách kinh tế

Ông Mao Trạch Đông không thể đưa Trung Quốc vào đúng con đường phát triển. Năm 1978, khi ông Mao qua đời, Trung Quốc đã phải đối diện với thử thách khổng lồ trong vấn đề bùng nổ dân số và không kiểm soát được đói nghèo.

Nhưng sau đó, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa nền kinh tế, mời gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là cho những vùng ven biển để tăng cường xuất nhập khẩu.

Nông nghiệp bắt đầu được tự do hơn. Trung Quốc áp dụng chính sách một con để ngăn chặn tình trạng bùng nổ dân số và nhờ đó có thể tận dụng nhân khẩu học của đất nước.

Trong khi đó, Ấn Độ dưới thời ông Pandit Nehru lại áp dụng mô hình kinh tế không khuyến khích các doanh nghiệp lớn. Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức 3,5% trong những năm 1960, 1970 trong khi dân số tăng 2,5%/1 năm. Tuy nhiên, các trung tâm kế hoạch hóa gia đình ở Ấn Độ khi ấy chỉ hoạt động cầm chừng bởi thiếu thuốc men, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa và những nơi người dân thiếu nhận thức.

Tập trung vào cơ sở hạ tầng

Quan trọng hơn cả, Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Đây là quyết định mang tính then chốt bởi nó tạo ra việc làm cho hàng triệu người, cải thiện năng lực tài chính và sức mua của người dân, thông qua đó thúc đẩy quy trình công nghiệp hóa.

Ngày nay, Trung Quốc vẫn chưa dừng lại, điển hình là dự án Vành đai Con đường.

Nhìn Trung Quốc tưng bừng kỉ niệm 70 năm, nước láng giềng lớn phải dè chừng - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Theo một ước tính, đầu tư trung bình của Ấn Độ cho cơ sở hạ tầng trong 50 năm sau khi độc lập là 3% GDP trong khi mức đầu tư này đáng nhẽ phải là ít nhất 6,5%. Trong khi đó, Trung Quốc lại đầu tư gần 9% GDP cho cơ sở hạ tầng mặc dù chỉ cần 6,5% đã là đủ.

Khảo sát kinh tế năm 2019 kêu gọi một khoản đầu tư 7-8% GDP cho cơ sở hạ tầng và biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỉ USD vào năm 2025. Khảo sát này phát hiện đầu tư ở Ấn Độ hiện tại thấp hơn yêu cầu 27%.

Tiếp cận các ngành nghề

Trong những năm 1970, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có những vấn đề kinh tế và nhân khẩu học cần giải quyết. Trung Quốc tập trung vào những ngành yêu cầu nhân công để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ. Những ngành như dệt may, công nghiệp nhẹ và điện tử nhận được đầu tư khổng lồ.

Trung Quốc cũng tạo ra những đặc khu công nghiệp để thúc đẩy chế tạo, phát triển công nghiệp cho xuất khẩu. Luật doanh nghiệp tại những vùng này được nới lỏng – tạo ra các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt và nhân công rẻ để các nhà đầu tư tận dụng.

Ra đời sau nhiều thập kỉ, đặc khu kinh tế ở Ấn Độ nhận được nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc.

Lao động ở Ấn Độ cũng rẻ tương đương. Nhưng Ấn Độ lại theo đuổi công nghiệp nặng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 được tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp với mũi nhọn là ngành công nghiệp nặng.

Ấn Độ khuyến khích các ngành công nghiệp thu hút nguồn tiền lớn và việc này khiến hàng triệu lao động thất nghiệp. Do đó, hiệu quả mang lại cho tăng trưởng công nghiệp không hề cao và không đem lại nguồn tiền để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, y tế hoặc những ngành công nghiệp thiết yếu khác.

Cải cách quân đội

Ấn Độ và Trung Quốc đã giao tranh trong năm 1962. Trung Quốc chiếm Aksai Chin, vùng đất rộng 37.000km2 ở Ladakh. Nhiều người cho rằng quyết định không dùng không quân của Ấn Độ là một sai lầm.

Trong khi Trung Quốc vẫn là đối thủ lớn của Ấn Độ về vấn đề chủ quyền, nước này đã tăng cường sức mạnh quân sự và khắc phục những điểm yếu mà Ấn Độ đã không tận dụng từ năm 1962. Trong loạt cải cách mới nhất, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội tới mức độ rất cao và có thể đương đầu với bất kì mối đe dọa an ninh nào.

Trong khi đó, quân đội của Ấn Độ vẫn theo mô hình thời Thế Chiến 2. Quá trình hiện đại hóa vũ khí vẫn trì trệ trong khi Trung Quốc đã liên tục cải thiện kho vũ khí của mình.

Trung Quốc hiểu rằng đã có sự thay đổi trong bản chất của chiến tranh – từ chiến tranh thông thường tới chiến tranh công nghệ để áp đảo địch thủ mà không mất quá nhiều binh sĩ trên chiến trường. Ấn Độ có thể học Trung Quốc ở điểm này.

Tiêu thụ năng lượng

Năng lượng là chìa khóa cho sự sống còn và tiến bộ của một quốc gia và các nguồn năng lượng thông thường – như than và dầu mỏ – có hạn. Các quốc gia phát triển đã tăng cường chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Trung Quốc đang giảm bớt phụ thuộc vào than và thúc đẩy dùng năng lượng xanh như năng lượng mặt trời. Trung Quốc gần đây đã trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn thứ hai thế giới.

Ấn Độ có thể học hỏi Trung Quốc trong việc giảm lệ thuộc vào than và dầu, sử dụng phương tiện chạy bằng điện. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc có số lượng xe điện và điểm sạc công cộng cao nhất. Với tình trạng ô nhiễm ở các thành phố Ấn Độ, phương án sử dụng xe điện sẽ làm nên điều kỳ diệu cho không khí ở nước này.

theo Trí Thức Trẻ

 

 

Bài viết cùng chuyên mục