T2, 08/04/2019 8:48 sáng | 24H

Thanh tra Chính phủ đã tổ chức cho nhiều đoàn cán bộ đi thăm và làm việc tại nước ngoài chủ yếu bằng nguồn ngân sách. Điều đáng nói là trong số những người đi học tập đó, có nhiều cán bộ thuộc diện đang “chờ hưu”.

Nhiều cán bộ ở TTCP được cử đi công tác nước ngoài khi đang chờ hưu – Ảnh: THÂN HOÀNG

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 8-2018 đến tháng 3-2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức các đoàn cán bộ đi dự hội nghị, làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học tập về phòng chống tham nhũng tại các nước Đan Mạch, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc khu Hong Kong… Trong những đoàn công tác này đều có cán bộ là lãnh đạo cấp phòng, vụ sắp nghỉ hưu.

Quyết định đi nước ngoài và nghỉ hưu ký cùng 1 ngày

Ngày 13-9-2018, Phó tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh ký quyết định cử đoàn đại biểu cấp cao đi thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Đoàn có 9 thành viên, do một phó tổng TTCP làm trưởng đoàn. Thời gian công tác tại Nga từ ngày 18 đến 26-9.

Theo quyết định này, TTCP chịu chi phí tiền vé máy bay khứ hồi quốc tế, chi phí vé máy bay hoặc vé tàu đi lại giữa các địa phương ở Nga; tiền ăn tiêu, ở, tiền đi lại, tiền điện thoại, bảo hiểm và tiền thuê phiên dịch, các chi phí khác cho đoàn công tác theo quy định của Bộ Tài chính.

Trong thành phần đoàn công tác có ông Nguyễn Thanh Hải, tổng biên tập báo Thanh Tra, đang trong diện “chờ hưu”. Đáng chú ý, trong cùng ngày ký quyết định cho đoàn đi nước ngoài thì ông Lê Minh Khái, tổng TTCP, cũng ký quyết định về việc nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm với ông Hải. Theo đó, ông Hải sẽ nghỉ hưu từ ngày 1-12-2018.

Trước đó, ngày 6-6, TTCP có thông báo cho phó chánh văn phòng Lê Khả Thanh nghỉ hưu từ ngày 1-10. Đến ngày 19-7, Tổng TTCP Lê Minh Khái ký quyết định nghỉ hưu với ông Thanh. Tuy nhiên, trước khi nghỉ hưu 2 tháng, ngày 6-8 Phó tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh lại ký quyết định cử phó chánh văn phòng đi công tác nước ngoài tại Nhật Bản. Đoàn công tác này gồm 8 người, toàn bộ chi phí do TTCP cấp.

Mới đây nhất, ngày 27-2, TTCP tổ chức cho đoàn công tác đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng tại Hong Kong từ ngày 19 đến

28-3. Đoàn gồm 15 thành viên, chi phí công tác do TTCP cấp. Theo tìm hiểu, trong đoàn có 2 cán bộ đang trong diện “chờ hưu”. Trong đó có ông Đặng Quang Trọng, Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra, được TTCP ký quyết định nghỉ hưu trước khi đi công tác. Ngày ký quyết định với ông Trọng là 1-3 và ngày nghỉ hưu từ 1-6.

“Sẽ rà soát”

Ngoài những trường hợp nêu trên, TTCP còn ký quyết định cử một số cán bộ thuộc diện chỉ còn vài tháng nghỉ hưu đi công tác tại các nước thuộc châu Âu, châu Á. Hầu hết chi phí cho các đoàn công tác này đều do TTCP cấp bằng tiền ngân sách.

Mặc dù không có quy định nào “cấm” cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài, tuy nhiên dư luận đặt ra câu hỏi việc “đi nước ngoài học tập rồi về hưu” liệu có đem lại hiệu quả trong công việc, có gây lãng phí ngân sách nhà nước?

Ông Lê Hồng Lĩnh – vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính, tổng hợp kiêm người phát ngôn của TTCP – cho biết cơ quan này đang vào cuộc kiểm tra vấn đề trên và sẽ thông tin khi có kết quả.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Tổng TTCP Lê Minh Khái cảm ơn báo chí đã phản ánh vụ việc, ông cho biết sẽ cho rà soát và sớm có trả lời công khai trước dư luận.

“Tôi về nhận nhiệm vụ tổng TTCP thời gian chưa phải là dài, công việc rất nhiều, nếu có điều gì đó thiếu sót, chưa thật sự chuẩn mực, được báo chí, nhân dân phản ảnh, góp ý thì xin được tiếp thu với tinh thần rất là cầu thị, thẳng thắn. Nếu có khuyết điểm, cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo TTCP sẽ có đánh giá, khắc phục. Nếu các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung” – ông Khái nói.

Cán bộ sắp về hưu không nên đi nước ngoài học tập

nguyễn văn pha

Nguyễn Văn Pha (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

Đó là quan điểm của Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha khi trả lời phóng viên Tuổi Trẻ nhân chuyện xảy ra ở TTCP.

Ông Pha nói: “Để bố trí đoàn đi công tác (dù là nước ngoài hay trong nước), người có thẩm quyền phải xác định mục đích, yêu cầu chuyến công tác, trên cơ sở đó quyết định thành phần tham gia, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu nhiệm vụ chuyến công tác.

Việc tổ chức đoàn công tác phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm ngân sách, tránh việc lạm dụng danh nghĩa đi công tác nhưng chủ yếu là đi tham quan, du lịch”.

Theo ông Pha, dư luận chỉ bức xúc về những trường hợp cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi công tác nước ngoài không đúng đối tượng, thành phần, làm việc không hiệu quả, lạm dụng để đi tham quan, du lịch, coi việc cử cán bộ đi nước ngoài như là một hành động tri ân, gây lãng phí ngân sách.

Không ai lên án những người mặc dù chỉ còn một thời gian công tác ngắn hoặc những năm cuối của nhiệm kỳ đi công tác nước ngoài vẫn làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hiệu quả, đặc biệt là những đoàn cấp cao, những cán bộ làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, các chuyên gia đàm phán các điều ước đang còn dang dở…

Ông Pha đề xuất: “Để xử lý tình trạng này, theo tôi, cần có quy định của pháp luật, ít nhất ở tầm nghị định của Chính phủ về việc không được cử cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu (kể từ khi có thông báo nghỉ hưu hoặc thậm chí là một năm trước khi nghỉ hưu) đi công tác nước ngoài với mục đích nghiên cứu, đi học, học tập kinh nghiệm.

Còn với những mục đích khác như đã nêu ở phần trên thì cần phải bảo đảm nguyên tắc đúng người, đúng mục đích, yêu cầu của chuyến công tác, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước”. LÊ KIÊN ghi

Theo: THÂN HOÀNG – LÊ KIÊN (Báo Tuổi trẻ)

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục