T3, 19/02/2019 11:15 chiều | Duy An
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận: “Tôi từng nói miền Trung có nhiều thế mạnh về du lịch, mạnh nhất là… mạnh ai nấy làm nên không phát triển được”.
Rất nhiều du khách đến du lịch ở miền Trung đã lớn tuổi, thời gian lưu trú ngắn, tiêu ít tiền – Ảnh: Nhật Lam

Mạnh nhất là… mạnh ai nấy làm

Sáng 16.2, tại TP.Huế, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) đã tổ chức hội nghị phát triển du lịch các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cuộc họp có sự tham gia chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gần 30 vị trung ương ủy viên, lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương cùng 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên (MT-TN). Hội nghị cũng đón nhận sự tham dự của đại sứ Nhật Bản, Hàn Quốc, một số ngoại giao đoàn, khách mời quốc tế và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị – Ảnh: BTC

Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế kiêm Chủ tịch (luân phiên) Hội đồng VKTTĐMT cho hay năm 2018, khu vực MT-TN đón khoảng 58 triệu lượt khách, trong đó tổng lượt khách quốc tế đi vào các tỉnh thành MT-TN hơn 9,5 triệu lượt khách.

Khách du lịch chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Quảng Bình, Nghệ An. Trong đó, chủ yếu lượng khách quốc tế ở Đà Nẵng và Khánh Hòa tăng nhanh từ thị trường Trung Quốc (chiếm 20,5%) và Hàn Quốc (14,5%), khách du lịch từ một số thị trường trọng điểm như Pháp, Đức, Mỹ tăng trưởng không đáng kể chỉ từ 0,2-0,9%/năm.

Tổng thu từ du lịch năm 2018 toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên khoảng 116 ngàn tỉ đồng chiếm 18,75% cả nước (trong đó chủ yếu từ vùng duyên hải miền Trung 76,828 tỉ đồng, chiếm 66% khu vực). Chỉ số về mức chi tiêu trung bình và ngày lưu trú trung bình của khách du lịch còn thấp, theo đó các chỉ số tương ứng là 2.500.000 đồng/ngày và 3 ngày đối với khách quốc tế và 850.000 đồng/ngày và 2,2 ngày đối với khách nội địa…

Thực trạng này đặt ra những trăn trở trong nỗ lực tìm kiếm, xây dựng các giải pháp để phát triển du lịch vùng xứng tầm với tiềm năng hết sức lớn lao mà nơi này sở hữu.

Ngài Umeda Kunio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị – Ảnh: BTC

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon phát biểu tại hội nghị – Ảnh: BTC

Theo TS.Trần Du Lịch, du lịch MT-TN muốn phát triển cần phải thay đổi tư duy, phải chuyển tư duy từ “điểm” du lịch thành “vùng” du lịch, chứ không theo đơn vị hành chính.

Ông Lịch cũng nhấn mạnh đến vai trò kinh tế tư nhân như là những “con sếu đầu đàn”, cùng với vai trò của người dân địa phương tham gia làm du lịch, hưởng lợi từ du lịch.

“Tôi nhớ lời bà Bộ trưởng du lịch Thái Lan từng nói du lịch là kết nối giữa các con tim. Làm du lịch không khiến du khách rung động là thất bại. Làm sao để trái tim du khách và người dân đập cùng nhịp thì mới thành công”, chuyên gia này nói.

TS Trần Du Lịch, chuyện gia tư vấn về chiến lược phát triển du lịch miền Trung có nhiều chia sẻ – Ảnh: BTC

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận trong vùng vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

“Tôi từng nói miền Trung có nhiều thế mạnh về du lịch, mạnh nhất là mạnh ai nấy làm nên không phát triển được”, ông nói.

Hiện tầm nhìn về quy hoạch không còn phù hợp, quy hoạch trước đây dựa trên nguyên lý “tận khai, có gì ăn nấy”, không tạo ra cạnh tranh. Tiếp đó là quy hoạch manh múm, tư duy từng địa phương, là “ăn cái mặt tiền”, quy hoạch chỉ bó trong tỉnh mình.

Còn PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng đồng tình phát triển du lịch nơi đây từ “điểm” sang “vùng”. Ông Lương cho rằng coi trọng “chất” hơn “lượng”, bởi khách đến mà tính bằng con số lượt thôi đôi lúc tạo áp lực về môi trường về xã hội (như Đà Nẵng, Nha Trang).

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp lớn cũng đã hiến kế cho du lịch MT-TN cất cánh.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel thì nói rằng tất cả sản phẩm du lịch ở vùng duyên hải miền Trung “mới tiếp cận được mép nước mà thôi, chưa tiếp cận được mặt nước và dưới mặt biển”.

“Tính kết nối thấp, sản phẩm bị đồng dạng hóa. Chỗ nào cũng quảng bá du lịch sinh thái biển khiến doanh nghiệp lữ hành khá là bối rối”, ông Kỳ nói.

Vị này cũng như các chuyên gia than phiền từ 6 tối – 2 giờ sáng vẫn còn là khoảng trống của du lịch, không có nơi để du khách trải nghiệm, tiêu tiền. Người dân chẳng hưởng lợi gì từ dịch vụ mang lại khiến họ có tư tưởng chống đối.

Ông Kỳ cho rằng du lịch Việt Nam đang thiếu thương hiệu du lịch quốc gia. Ngay tại vùng KTTĐMT có “con đường di sản miền Trung”, nhưng chỉ là tên gọi chứ không có “nội dung” bên trong.

Cùng chung cách nhìn với ông Kỳ, ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất Việt Nam có những chính sách “nới lỏng visa, mở cửa bầu trời”.

Việt Nam mới miễn visa cho 24 nước, trong khi các nước Asean khác là 160 nước, thời gian lư trú trong visa ngắn, chưa cho phép nhập cảnh nhiều lần và thời gian nhập cảnh còn bị giới hạn.

Ông Trường cũng đề xuất hàng loạt giải pháp, trong đó có việc phá triển cảng biển du lịch quốc tế chuyên nghiệp, tạo cơ chế, chính sách quảng bá du lịch thông thoáng, mạnh mẽ hơn…

Cần “người thợ kim hoàn” đủ năng lực

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch cũng như lãnh đạo các địa phương trong vùng để du lịch có những chuyển biến.

Thủ tướng nhắc lại tiềm năng, lợi thế du lịch khu vực MT-TN: “Khó có mỹ từ nào nói hết, tô điểm hết. Nhìn chung tài nguyên du lịch trong vùng như viên ngọc thô chưa mài giũa, hoặc chưa được người thợ mài giũa xứng đáng”, Thủ tướng nói và nhìn nhận ngành du lịch chậm đổi mới cả hình thức lẫn nội dung.

“Du lịch MT-TN nói riêng và cả nước nói chung mất cân đối, nhạt bản sắc, sắc thái chưa ấn tượng. Nói chung là thiếu một kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam một cách rõ nét để thu hút mạnh mẽ hơn, toàn cầu đến với Việt Nam”, Thủ tướng nhận định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố miền Trung trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp – Ảnh: BTC

Đáng chý ý, Thủ tướng nhắc đến thực trạng buồn khi nêu con số 3,7 triệu kết quả tìm kiếm qua máy tính tin, bài liên quan từ khóa “chặt chém” và các vấn nạn chèo kéo, chặt chém du khách, taxi dù, mất vệ sinh, thiếu an ninh… còn tồn tại đã làm xấu hình ảnh du lịch VN trong mắt bạn bè và nhà đầu tư quốc tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải nhìn nhận vấn đề này, các vị lãnh đạo tỉnh ngồi ở đây cần tăng cường quản lý vấn đề này. Nó làm ảnh hưởng không chỉ ngành du lịch mà các ngành kinh tế khác, về khả năng thu hút đầu tư”.

Ông cũng nhắc lại tại hội nghị về du lịch ở Hội An trước đây ông đã đặt 5 câu hỏi cho ngành du lịch. Đó là làm thế nào để khách đến nhiều hơn, ở lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn. Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch với người thân đầy hứng khởi thay vì kể chuyện xấu, chê bai. Làm thế nào để du khách quay lại sớm nhất chứ không một đi không trở lại, bởi tỉ lệ khách quay trở lại khá thấp.

“Câu trả lời thời gian qua tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự xuất sắc”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh tài nguyên du lịch MT-TN như viên kiêm cương, nhưng viên kim cương đấy đã trao đúng thợ kim hoàn đủ năng lực chưa.

Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh cần phân định các nhà đầu tư, cương quyết dẹp các nhà đầu tư “dìm” đất để chờ cơ hội bán, chuyển nhượng. Thủ tướng cũng cho biết vừa ký nghị quyết áp dụng visa điện tử thêm 34 nước, nâng tổng số lên 105 nước áp dung dùng visa điện tử đến Việt Nam.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần tự hào, tự tôn trong kinh doanh du lịch, không hời hợt, bán rẻ hình ảnh Việt Nam.

Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp lớn, nhất là các tập đoàn lớn tiếp tục chung tay đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền các địa phương đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển du lịch MT-TN, bởi thiếu vai trò của thành phần này du lịch khó phát triển thành công.

Tác giả : Nhật Lam ( Theo: Motthegioi)

Bài viết cùng chuyên mục