T2, 24/12/2018 3:40 chiều | Duy An

Điểm mở màn tour Hàn Quốc cuối mùa Thu của nhóm du khách Việt chúng tôi là cố đô Gyeongju, dù trời mưa vẫn gây ấn tượng bởi vẻ hoài cổ pha chút liêu trai khiến lòng ta dịu lại, để rồi tâm trạng dần trở nên hưng phấn hơn ở những chặng sau.

Vừa đi về với một lô mỹ phẩm đem tặng bạn bè ai cũng thích, tôi được nghe ngay câu hỏi: – Có thấy nhiều ô-ppa (anh trai) và yò-đồng-seng (em gái) xinh đẹp như trên màn ảnh không? – Tại sao không khi ta đã tận mắt chứng kiến trên những nẻo đường đất nước Hàn Quốc xinh đẹp… nhỉ?

tn_2

Bức tranh phong cảnh thiên nhiên làm say đắm lòng người tại cố đô Gyeongju tháng 11/2018.

Bệnh nghề nghiệp khiến tôi hay để ý mà trước hết là hình thức con người. Bởi thế dù đã được hướng dẫn viên giới thiệu: Ở xứ Hàn các yò-đồng-seng tới tuổi 18 đôi mươi trở lên hầu như đều mang “vẻ đẹp dao kéo” và các ô-ppa cũng rất chịu khó chăm sóc dung nhan của mình, tôi vẫn rất ngưỡng mộ vẻ đẹp của những làn da nõn nà “trứng gà bóc” càng tôn lên những vóc dáng chuẩn của các trai đẹp, gái xinh ta có thể bắt gặp ở hầu khắp các cung đường du lịch xứ Hàn.

Sắc lá vẫn rực rỡ sau cơn mưa cuối Thu ở Gyeongju.

Đã qua đỉnh cao điểm du lịch (bởi thế hướng dẫn viên nói đây là “mùa vợt lá vàng cuối Thu”) Gyeongju càng vắng vẻ hơn trong cơn mưa cuối Thu, nhưng cũng bởi thế cố đô này càng gợi lên trong lòng du khách đường xa những xúc cảm chợt đến, chợt đi.

Đường vắng nên xe chạy khá nhanh và liên tục vào cua hoặc đổ dốc khiến trước mắt chúng tôi bức tranh phong cảnh thiên nhiên với các sắc màu cầu vồng như dập dềnh uốn lượn sống động hơn trong màn mưa mờ ảo.

Đây đó chút sắc lá xanh còn sót lại của những cây ngô đồng làm nền tôn vinh các sắc độ màu Đỏ: đỏ hồng, đỏ cam, đỏ nâu, đỏ tím của loài cây phong lá nhỏ, xen lẫn sắc vàng nuột nà óng ả của loài cây ngân hạnh kiêu sa.

tn_3

Bulguksa – ngôi chùa quốc tự hàng ngàn năm tuổi ở Gyeongju, được xem là chùa lớn và đẹp nhất Hàn Quốc.

Chọn tour đầu tháng 11 chúng tôi cũng nhắm tới mục tiêu chiêm ngưỡng mùa lá đỏ xứ Hàn và đã được toại nguyện ngay từ điểm khởi đầu – cố đô Gyeongju của Vương triều Silla (57 TCN – 935 SCN), địa danh khởi đầu nền văn minh cổ Triều Tiên với 3 Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận: quần thể tu viện Phật giáo Bulguksa và hang Phật Seukguram; Vườn quốc gia Gyeongju với các di tích từ thời Silla và làng cổ Yangdong.

tn_14

Ngắm cầu treo Gwangan dài nhất xứ Hàn từ bãi biển mịn màng cát vàng tại thành phố cảng Busan lớn thứ nhì Hàn Quốc.

Tuyệt nhất là khi ta được thả hồn phiêu diêu theo sóng gió biển xanh từ bãi cát vàng mịn màng nổi tiếng Haeundae, ngắm cây cầu treo Gwangan dài nhất xứ Hàn và đây cũng là nơi người dân tập trung vào ngày mùng 1 tháng 1 hàng năm để đón xem mặt trời mọc lần đầu tiên của năm mới. Cầu treo Gwangan hiện đại được coi là biểu tượng của Busan, vắt qua biển giữa Namcheon-dong, Suyeong-gu và U-dong, Haewundae-gu.

Tòa nhà Apec Nurimaru trên đảo Dongbaekseom tuyệt đẹp thu hút rất đông khách tham quan.

Điểm đến Jeju – gây ấn tượng nhất với cung đường leo lên đỉnh núi Seongsan đón bình minh và Làng Văn hóa Seongeup – địa điểm chính quay bộ phim truyền hình Nàng Dae Jang Geung nổi tiếng. Jeju được ví như Thiên đường Tình yêu, Hawaii của châu Á với địa hình phong phú gồm rừng, biển, thác… tạo nên bức tranh phong cảnh rất nên thơ, lãng mạn. Jeju được tạo thành từ những dòng nham thạch do núi lửa phun trào cách đây 2 triệu năm, nằm giữa biển xanh với rất nhiều cột đá linh thiêng kỳ thú…

Ngắm bình minh trên đỉnh núi Seongsan ở Jeju.

Đường lên đỉnh núi Seongsan thơ mộng, lãng mạn…

Thủ đô Seoul với những đường phố sáng rực sắc lá vàng của những hàng cây ngân hạnh và những hoàng cung vang bóng một thời… cùng các điểm du lịch vệ tinh: đảo Nami – với con đường tình yêu bỗng chốc trở nên nổi tiếng sau khi bộ phim “Bản Tình Ca Mùa đông” ra mắt khán giả; công viên Everland…

Nhiều du khách mặc Hanbok tham quan Kyongbuk – cung điện ánh sáng và hạnh phúc của Vương triều Chosun (1392 – 1910), một công trình nghệ thuật nổi tiếng có phong cách và kiến trúc độc đáo và đẹp nhất Seoul với hơn 7225 gian.

Sân trước cung điện Kyongbuk.

Nhiều điểm cộng chắc chắn được du khách chấm, trước hết là sự động viên khích lệ từ chính những người làm du lịch nước bạn. Tài xế đa số là người đã nghỉ hưu mà tay lái vẫn rất lụa, như bác tài chở đoàn chúng tôi suốt 3 ngày tham quan trong và quanh thủ đô Seoul đã 78 tuổi vẫn một mình xoay vô lăng với sự tận tâm, chu đáo, vui vẻ, cởi mở không chê vào đâu được.

Những hàng cây ngân hạnh vàng óng sắc lá cuối Thu trên đường phố Seoul.

Chị Im (tên Hàn dài quá, tôi không nhớ đầy đủ được) là nhân viên của Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc đi cùng đoàn chúng tôi suốt từ đầu tới cuối luôn với nụ cười rất tươi nở trên môi. Nghe nói đoàn nào cũng có người như chị Im đi cùng để đảm bảo mọi việc đều an toàn, đúng chuẩn: vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Chị Im (thứ 8 từ phải sang) nhân viên Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc đi cùng đoàn du khách Việt chụp ảnh trên quảng trường Gwanghamun ở trung tâm Seoul. Cổng chính của quảng trường nổi tiếng với bức tượng Vua Sejong – vị Vua thứ tư và là Hoàng đế vĩ đại nhất dưới thời Joseon, người đã sáng tạo ra bảng chữ cái Hàn Quốc được sử dụng phổ biến cho tới ngày nay. Phía sau là Cố cung Gyeongbok.

Các bữa ăn kiểu Hàn với thực đơn hoàn toàn là thực phẩm sạch, nhiều rau xanh cùng các loại kim chi và rong biển phong phú, xen kẽ hải sản với các loại thịt bò – lợn – gà, xen kẽ món nướng – xào – lẩu khá ngon miệng giúp du khách dẻo chân hơn sau mỗi chặng đường xa.

Món gà nướng.

Vừa học được câu: An-nyong-ha-sê-yo (Xin chào) đã phải nói lời tạm biệt: An-nyơng-hi gyê-sệ-yô, với nỗi luyến tiếc…

Tô-pôp-ge-ssưm-ni-da (Hẹn gặp lại) nhé Busan, Seoul…!

Theo: Dân trí

Bài viết cùng chuyên mục